8 nước ASEAN bàn cách phục hồi đường sắt sau đại dịch Covid-19

Hội nghị Tổng giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 đã được khai mạc tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của 170 đại biểu đến từ ngành Đường sắt 8 nước ASEAN (Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Thái Lan).

Hội nghị là hoạt động thường niên được Đường sắt các nước ASEAN luân phiên tổ chức. Hội nghị là nơi các tổng giám đốc, nhà quản lý, điều hành đường sắt ASEAN thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển và khai thác hiệu quả đường sắt trong khu vực.

Đồng thời, là cơ hội để các tổ chức quốc tế, các nước có đường sắt phát triển trong khu vực và các nhà sản xuất, cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ, thiết bị chuyên ngành đường sắt cập nhật thông tin về phát triển đường sắt trong khu vực ASEAN, tìm hiểu cơ hội hợp tác và giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực đường sắt.

Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên, Hội nghị bị trì hoãn 2 năm do dịch Covid-19.

Hội nghị lần này diễn ra từ 23- 25/8 với chủ đề “Phục hồi và Phát triển”. Đây cũng là lần thứ 5 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng Hội nghị là cơ hội để Đường sắt các nước ASEAN và các đối tác liên quan chia sẻ kinh nghiệm để quản lý, vận hành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối khu vực, thể hiện vai trò xương sống trong hệ thống GTVT, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, cũng như sự thịnh vượng chung của cộng đồng ASEAN.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, Đường sắt Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container đi quốc tế.

Việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch Covid-19 mà còn là định hướng lâu dài của Đường sắt Việt Nam.

“Đường sắt là phương thức vận tải ưu việt, an toàn, nhanh chóng và hiệu quả. Vận tải đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ tạo ra được các chuỗi vận chuyển góp phần đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa các nước trong khu vực và thế giới”, ông Mạnh nói.

Được biết, ngoài chương trình họp tại Hội nghị, các đại biểu sẽ đến thăm ga Đà Nẵng tìm hiểu tình hình vận hành thực tế của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Nguồn: Báo Giao Thông


Tin tức liên quan

Xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc cần nghiêm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc cần nghiêm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Sau khi phát hiện các mẫu ớt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, Hàn Quốc đã siết chặt kiểm soát ớt xuất khẩu sang thị trường này.

864 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch trong năm 2022 và thị phần
864 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch trong năm 2022 và thị phần

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu tiềm năng xuất khẩu hàng hoá sang Đan Mạch, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia) tổng hợp 864 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch trong năm 2022 theo mã HS 6 số, so sánh với tổng nhập khẩu các mặt hàng tương tự để tính thị phần từng mặt hàng này tại Đan Mạch.

Hiệp hội vận tải kỹ thuật số container cam kết áp dụng 100% vận đơn điện tử (eBL) vào năm 2030
Hiệp hội vận tải kỹ thuật số container cam kết áp dụng 100% vận đơn điện tử (eBL) vào năm 2030

Hiệp hội vận tải container kỹ thuật số (DCSA) vào ngày 16/2/2023 thông báo 9 thành viên là các hãng vận tải biển lớn với quy mô hoạt động toàn cầu cam kết áp dụng 100% vận đơn điện tử (eBL) dựa trên các tiêu chuẩn của DCSA vào năm 2030.


Đã thêm vào giỏ hàng