Chuyển đổi xanh để xuất khẩu bền vững
Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu và là một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Mặc dù, quá trình chuyển đổi xanh đều có lộ trình để thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều.
Xu thế không thể đảo ngược
Là một trong những thị trường chủ lực Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển.
Sau 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang EU với giá trị gần 128 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2023 trở đi những lợi thế này đang đối mặt với nhiều thách thức khi doanh nghiệp phải đáp ứng các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh, bền vững đầy khắt khe của EU.
Từ kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn xanh, ông Clement Graf, Giám đốc toàn cầu, Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (Sippo) cho rằng, một trong những quy định mới tại EU mà các doanh nghiệp cần lưu ý là Luật báo cáo bền vững CSRD sẽ được áp dụng với lộ trình từ 2024 đến 2028. Đây là một trong những giải pháp để châu Âu hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 trung hòa carbon; trước năm 2030, giảm lượng khí nhà kính 55% so với 1990.
Theo đó, ước khoảng 50.000 doanh nghiệp khối EU sẽ được áp dụng. Với quy định này, các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất ở châu Âu phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong chuỗi giá trị. Điều này cũng gián tiếp đòi hòi nhà nhập khẩu phải biết, hiểu, sát hơn với nhà cung cấp của họ, cũng như cần đầu tư và cùng xây dựng quan hệ bạn hàng tin cậy với các nhà cung cấp.
Đánh giá các tác động từ xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), TS. Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, mục tiêu của CBAM là nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến vấn đề “rò rỉ̉ carbon” của EU; giải quyế́t thách thức liên quan đến bất lợi trong khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp trong EU và đảm bảo mục tiêu phát thải ròng của EU không bị suy yếu.
Ở giai đoạn chuyển tiếp (từ tháng 10/2023-12/2025), 6 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động từ CBAM, trong đó lớn nhất là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, theo thiết kế chính sách, giai đoạn triển khai (2026-2030) sẽ loại bỏ dần phân bổ miễn phí và từ năm 2034 sẽ vận hành đầy đủ. Về cơ bản một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM cả trong ngắn và dài hạn. Đặc biệt, không chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… đã và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu.
Chủ động thích ứng “luật chơi” mới
Đề cập đến cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp và thương mại xanh của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững; sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp; khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, tạo dựng văn hoá trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát thải tác động xấu đến môi trường.
Thép là một trong các ngành chịu tác động lớn về chuyển đổi xanh. Ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay, thép vẫn là vật liệu cơ bản của thế giới, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thép phát triển hạ tầng cơ sở tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu đã đặt ra các thách thức lớn đối với ngành thép. Trước đòi hỏi này, ngành thép đã đưa ra định hướng về công nghệ sản xuất, đó là cải tiến giảm các tiêu hao năng lượng, giảm bớt phát thải khí nhà kính đối với lò cao; đến năm 2035 các nhà máy lò cao sử dụng công nghệ mới và nghiên cứu áp dụng công nghệ CCS; đối với công nghệ lò điện, sau khi cải thiện đến năm 2025 sẽ đạt mức độ phát thải tối ưu; đến năm 2035 dần sử dụng năng lượng xanh như điện tái tạo.
Làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới. Do đó, ông Đinh Quốc Thái đề xuất, các cơ quan chức năng, bộ, ngành tiếp tục chủ trì nghiên cứu công nghệ mới nhất cũng như có các cơ chế tạo thuận lợi để cho ngành thép thực hiện chủ trương chuyển đổi xanh.
Dệt may cũng là lĩnh vực sớm chịu ảnh hưởng từ nhu cầu “sống xanh” và sử dụng các sản phẩm xanh của thị trường. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ cách đây 5 năm, ngành dệt may Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực từ các thị trường với những yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, khí thải, nước thải, môi trường làm việc, vấn đề liên quan đến chứng chỉ an toàn trong sản phẩm dệt may… Trong đó, thị trường châu Âu đưa ra những yêu cầu khắt khe nhất, tiếp đến là thị trường Mỹ. Đây là 2 thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, năm 2024, thị trường được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt các quốc gia nhập khẩu lớn của ngành dệt may như: EU, Mỹ… sẽ áp dụng các cơ chế nghiêm ngặt như: cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); CBAM; Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức… Đồng thời các nhãn hàng tiến tới chuyển đổi dần sang chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”…
Để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; tham gia vào các dự án bù đắp carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.
Nguồn: Báo Hải Quan