Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện ACFTA: Thuế suất bình quân cho giai đoạn 2023 - 2027 khoảng 3,05%

Theo Nghị định số 118/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2022 - 2027, biểu thuế ACFTA giai đoạn 2022-2027 gồm 11.459 dòng thuế. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan ASEAN - Trung Quốc, mức thuế suất bình quân cho giai đoạn 2023 - 2027 tính trên tổng biểu thuế Nghị định ban hành vào khoảng 3,05%.

Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Hiệp định ACFTA), ký ngày 29/11/2004 tại Lào và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về một số vấn đề trong Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Trung Quốc, ký ngày 18/7/2005 tại Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 19/10/2005.

Thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong Hiệp định ACFTA, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Biểu thuế ban hành kèm Nghị định nêu trên được xây dựng theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017. Giai đoạn 2018-2022, việc ban hành Nghị định số 153/2017/NĐ-CP đã thực hiện theo đúng lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo quy định của Hiệp định ACFTA và theo Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, và góp phần hỗ trợ công tác thống kê hải quan về xuất nhập khẩu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh minh bạch về thuế suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện Nghị định 153/NĐ-CP ngày 27/12/2017 không nảy sinh các vấn đề, bất cập.

Ngày 8/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (Danh mục AHTN 2022). Nhằm thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục AHTN 2022 và để tiếp tục thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu trong Hiệp định ACFTA, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 118/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2022 – 2027. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định sẽ bao gồm tất cả các nước thành viên của Hiệp định ACFTA mà Hiệp định đã có hiệu lực đối với các nước đó, bao gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc.

Phù hợp với đối tượng thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Hải quan, Nghị định quy định 3 đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Cơ quan Hải quan, công chức hải quan; Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Biểu cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA được ký kết trên cơ sở Danh mục mục hàng hóa AHTN 2022. Nhằm triển khai thực hiện cam kết trong Hiệp định ACFTA, tuân thủ Hiệp định hải quan ASEAN liên quan đến việc áp dụng Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) phiên bản 2022 của ASEAN và Danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa phiên bản 2022 (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển đổi biểu thuế ACFTA từ AHTN 2017 sang AHTN 2022 để làm cơ sở ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ACFTA của Việt Nam cho giai đoạn 2022-2027.

Biểu thuế ACFTA theo AHTN 2022 giai đoạn 2022-2027 gồm 11.459 dòng thuế, trong đó gồm 11.376 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 83 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Phần mã hàng và mô tả hàng hóa được cập nhật theo Thông tư của Bộ Tài chính về ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam với hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022. Theo cam kết trong Hiệp định ACFTA, đến năm cuối lộ trình 2020, 85,4% số dòng thuế trong biểu thuế thuộc danh mục thông thường của Việt Nam đạt mức 0%. Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết theo ACFTA từ năm 2020, do đó thuế suất cam kết cho giai đoạn 2022 - 2027 không thay đổi qua các năm. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan ASEAN – Trung Quốc, mức thuế suất bình quân (tính các dòng có thuế suất) cho giai đoạn 2023 – 2027 tính trên tổng biểu thuế Nghị định ban hành vào khoảng 3,05%.

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ACFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện là thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định ACFTA bao gồm cả hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp), có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu E hoặc có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Việc ban hành Nghị định số 118/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2022 – 2027 là thực hiện đúng cam kết của Hiệp định ACFTA và đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; bao gồm cả việc tuân thủ cam kết tại Hiệp định hải quan ASEAN (Điều 19 Hiệp định hải quan ASEAN) về việc áp dụng Danh mục AHTN 2022 của ASEAN và Danh mục HS phiên bản 2022 của Tổ chức Hải quan thế giới khi xây dựng Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ACFTA.

Các nội dung quy định của Nghị định số 118/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2022 – 2027 về cơ bản kế thừa quy định tại các Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế thực hiện Hiệp định ACFTA giai đoạn 2018-2022. Trong quá trình thực thi Nghị định, Bộ Tài chính không ghi nhận trường hợp doanh nghiệp và cơ quan hải quan gặp vướng mắc với các quy định của Nghị định.

Nguồn: Hải Quan Online


Tin tức liên quan

Năm 2022 hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam tăng 4%
Năm 2022 hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam tăng 4%

Năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái.

Công ty dược của Đan Mạch – Novo Nordish cảnh báo EU về việc dịch chuyển đầu tư sang thị trường Hoa Kỳ
Công ty dược của Đan Mạch – Novo Nordish cảnh báo EU về việc dịch chuyển đầu tư sang thị trường Hoa Kỳ

EU dự kiến triển khai kế hoạch cải cách ngành dược của khối lớn nhất trong 2 thập kỷ nhằm đảm bảo mọi người dân trong khối này có thể tiếp cận được với những phương thức điều trị đột phá mới và cả các loại thuốc gốc (Generic Drug), đồng thời chấm dứt tình trạng chênh lệch quá lớn về khả năng tiếp cận và giá thuốc giữa các quốc gia thành viên.

Xuất khẩu dệt may sang Bắc Âu: Lưu ý các quy định mới từ nhãn sinh thái
Xuất khẩu dệt may sang Bắc Âu: Lưu ý các quy định mới từ nhãn sinh thái

Các quy định về nhãn sinh thái được các thị trường Bắc Âu áp dụng có thể tác động đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường này.


Đã thêm vào giỏ hàng