Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định RCEP gồm 11.414 dòng thuế
Việt Nam không chịu nhiều áp lực về mức độ mở cửa thị trường hàng hóa khi thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (Hiệp định RCEP), việc thực thi cam kết trong khuôn khổ RCEP về cơ bản không tạo sức ép về giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam.
Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (RCEP) được các nước thành viên ký kết ngày 15/11/2020. Ngày 6/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP phê duyệt Hiệp định RCEP. Ngày 14/12/2021, Bộ Ngoại giao có văn bản số 37/2021/TB-LPQT về việc điều ước quốc tế có hiệu lực, trong đó thông báo Hiệp định RCEP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 1/1/2022. Ngày 8/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt Danh mục AHTN 2022 (thay thế Danh mục AHTN 2017).
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/TT-BTC ngày 8/6/2022 về Danh mục hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam có hiệu lực từ 1/12/2022. Để thực hiện cam kết thuế nhập khẩu trong Hiệp định RCEP và tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam cần ban hành Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 2022-2027, thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2022.
Về cơ bản, các điều khoản tại Nghị định Biểu thuế RCEP được quy định tương tự Nghị định Biểu thuế FTA khác - được áp dụng ổn định và không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực thi thời gian qua, có bổ sung Điều khoản về áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt RCEP để hướng dẫn cụ thể trường hợp hàng hóa có mức thuế suất RCEP áp dụng khác nhau giữa các nước thành viên RCEP và bổ sung quy định áp dụng hiệu lực trở về trước tại Điều khoản về hiệu lực thi hành của Nghị định đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam từ ngày 1/1/2022.
Đảm bảo tính thống nhất trong thực thi cũng như duy trì tính ổn định của quy phạm pháp luật, các điều kiện, quy định tại Nghị định 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 được quy định tương tự Nghị định Biểu thuế FTA khác - được áp dụng ổn định và không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực thi thời gian qua, có bổ sung một số điều khoản đặc thù phù hợp với Hiệp định RCEP. Theo đó, tương tự quy định tại các Nghị định của Chính phủ về biểu thuế của Việt Nam để thực hiện các FTA hiện hành, Nghị định này quy định các điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định RCEP gồm: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định RCEP; được nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định RCEP; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp), có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định RCEP và quy định hiện hành của pháp luật.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho hàng hóa của Việt Nam sản xuất ở khu phi thuế quan, Nghị định 129/2022/NĐ-CP có quy định cho đối tượng này. Theo đó, cho phép áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên Hiệp định RCEP vào Việt Nam.
Hiệu lực của Nghị định áp dụng với hàng hóa các nước thành viên
Biểu thuế RCEP gồm 11.414 dòng thuế theo cấp độ 8 số (bao gồm 264 dòng thuế CKD), trong đó có một số lượng dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số (83 dòng 10 số tại các biểu thuế dành cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, 85 dòng 10 số tại các biểu dành cho Australia, New Zealand, các nước ASEAN)
Các Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định RCEP bao gồm: Phụ lục A: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho các nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và khu phi thuế quan của Việt Nam (trong đó chỉ gồm các nước ASEAN mà Hiệp định RCEP đã có hiệu lực); Phụ lục B: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Australia; Phụ lục C: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Trung Quốc; Phụ lục D: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Nhật Bản; Phụ lục E: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Hàn Quốc; Phụ lục F: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho New Zealand.
Thực hiện thống nhất thời điểm có hiệu lực tương tự Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Nghị định ban hành biểu thuế xuất khẩu và nhập khẩu ưu đãi, các Nghị định ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Nghị định ban hành Biểu thuế RCEP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2022. Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 1/1/2022 (đối với các nước thành viên RCEP thực thi Hiệp định cùng thời điểm với Việt Nam), đăng ký từ ngày 1/2/2022 đối với Hàn Quốc, đăng ký từ ngày 18/3/2022 đối với Malaysia, đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất RCEP theo quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan Hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Riêng đối với trường hợp của Indonesia, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Indonesia và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 2/1/2023, nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định.
Về cơ bản, các điều khoản tại Nghị định Biểu thuế RCEP được quy định tương tự Nghị định Biểu thuế FTA khác - được áp dụng ổn định và không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực thi thời gian qua, có bổ sung một số điều khoản. Theo biểu cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam tại Hiệp định RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%, Australia và New Zealand 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7% và Trung Quốc là 85,5%.
Để thuận tiện cho công tác tra cứu và thực thi, Nghị định số 129/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP giai đoạn 2022 – 2027 đã được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật cũng như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Nhìn chung, việc triển khai các cam kết mở cửa thị trường hiện nay cùng với quá trình tự do hóa thuế quan tại các khuôn khổ FTA trong nhiều năm qua, Việt Nam không chịu nhiều áp lực về mức độ mở cửa thị trường hàng hóa khi thực thi Hiệp định RCEP, việc thực thi cam kết trong khuôn khổ RCEP về cơ bản không tạo sức ép về giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam.
Nguồn: Báo Hải Quan