Biểu thuế thực hiện Hiệp định AIFTA: Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 65%

Thực hiện cắt giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) cho giai đoạn 2022 - 2027, từ ngày 31/12/2021 tất cả dòng thuế trong biểu thuế thuộc danh mục thông thường (NT) của Việt Nam đều về 0%, các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm (ST) và nhạy cảm cao (HSL) được hoàn thành việc cắt giảm vào 31/12/2023.

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (sau đây gọi là Hiệp định AIFTA) ký ngày 13/8/2009 tại Thái Lan và được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt tại công văn số 2464/TTg-QHQT ngày 10/12/2009 và có hiệu lực ngày 1/6/2010. Theo cam kết của Hiệp định, thuế nhập khẩu được cắt giảm đều theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2024.

Thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong Hiệp định AIFTA, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định AIFTA giai đoạn 2018-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Biểu thuế ban hành kèm Nghị định nêu trên được xây dựng theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017. Giai đoạn 2018-2022, việc ban hành Nghị định số 159/2017/NĐ-CP đã thực hiện theo đúng lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo quy định của Hiệp định AIFTA và theo Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, và góp phần hỗ trợ công tác thống kê hải quan về xuất nhập khẩu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh minh bạch về thuế suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan trong triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện Nghị định 159/NĐ-CP không nảy sinh các vấn đề, bất cập.

Ngày 8/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (Danh mục AHTN 2022). Nhằm thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục AHTN 2022 và để tiếp tục thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu trong Hiệp định AIFTA, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 122/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2022 – 2027.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định sẽ bao gồm tất cả các nước thành viên của Hiệp định AIFTA mà Hiệp định đã có hiệu lực đối với các nước đó, bao gồm 10 nước ASEAN và Ấn Độ. Về đối tượng áp dụng, phù hợp với đối tượng thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Hải quan, Nghị định quy định 3 đối tượng áp dụng là: người nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; cơ quan Hải quan, công chức hải quan; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Biểu cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định AIFTA được ký kết trên cơ sở Danh mục mục hàng hóa AHTN 2022. Nhằm triển khai thực hiện cam kết trong Hiệp định AIFTA, tuân thủ Hiệp định hải quan ASEAN liên quan đến việc áp dụng Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) phiên bản 2022 của ASEAN và Danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa phiên bản 2022 (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển đổi biểu thuế AIFTA từ AHTN 2017 sang AHTN 2022 để làm cơ sở ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt AIFTA của Việt Nam cho giai đoạn 2022-2027.

Biểu thuế AIFTA gồm 11.156 dòng thuế (không bao gồm 264 dòng thuế CKD), trong đó gồm 11.139 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 17 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Phần mã hàng và mô tả hàng hóa được cập nhật theo Thông tư cảu Bộ Tài chính về ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam với hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022. Về các mốc cắt giảm thuế AIFTA cho giai đoạn 2022 – 2027, từ ngày 31/12/2021 tất cả dòng thuế trong biểu thuế thuộc danh mục thông thường (NT) của Việt Nam đều về 0%, các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm (ST) và nhạy cảm cao (HSL) được hoàn thành việc cắt giảm vào 31/12/2023. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định AIFTA đạt khoảng 65%

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định AIFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện là thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định AIFTA bao gồm cả hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp), có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) Mẫu AI hoặc có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo quy định của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Việc ban hành Nghị định số 122/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2022 – 2027 là thực hiện đúng cam kết của Hiệp định ACFTA và đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; bao gồm cả việc tuân thủ cam kết tại Hiệp định hải quan ASEAN (Điều 19 Hiệp định hải quan ASEAN) về việc áp dụng Danh mục AHTN 2022 của ASEAN và Danh mục HS phiên bản 2022 của Tổ chức Hải quan thế giới khi xây dựng Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ACFTA.

Các nội dung quy định của Nghị định số 122/2022/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định AIFTA giai đoạn 2022 – 2027 về cơ bản kế thừa quy định tại các Nghị định số 159/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế thực hiện Hiệp định AIFTA giai đoạn 2018-2022. Trong quá trình thực thi Nghị định, Bộ Tài chính không ghi nhận trường hợp doanh nghiệp và cơ quan Hải quan gặp vướng mắc với các quy định của Nghị định.

Nguồn: Hải Quan Online


Tin tức liên quan

Vận tải hàng không của Trung Quốc tiếp tục phục hồi
Vận tải hàng không của Trung Quốc tiếp tục phục hồi

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, vận tải hàng không dân dụng của Trung Quốc đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 4/2023, tổng doanh thu vận tải của ngành là 9,31 tỷ tấn.km, tăng 214,5% so với cùng kỳ năm 2022 và phục hồi lên 88,6% so với mức được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019, trước khi bùng phát COVID-19.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 306 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 306 tỷ USD

So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tăng thêm tới 42,2 tỷ USD.

Chính phủ Đức vừa chấp thuận đầu tư của COSCO vào cảng container Hamburg
Chính phủ Đức vừa chấp thuận đầu tư của COSCO vào cảng container Hamburg

Chính phủ Đức vừa chấp thuận việc công ty COSCO Shipping Port Limited (CSPL) của Trung Quốc mua lại cổ phần thiểu số dưới 25% trong công ty điều hành HHLA  container Container Terminal Tollerort GmbH (CTT) tại Hamburg


Đã thêm vào giỏ hàng