Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM xem lại quy định thu phí hạ tầng cảng biển

Bộ Tài chính ngày 11/5 cho biết đã có công văn số 3978/BTC-CST gửi UBND TP.HCM về việc xem xét lại phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi

Trong công văn gửi UBND TP.HCM, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, công văn của Cục Hải quan Bình Dương liên quan đến Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Các Hiệp hội phản ánh TP.HCM thu phí gây ảnh hưởng đặc biệt lớn tới doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Tài chính cũng có 3 công văn: Số 2681/BTC-CST ngày 17/3/2021; Số 6665/BTC-CST ngày 21/6/2021 và công văn số 2784/BTC-CST ngày 25/3/2022 gửi UBND TP.HCM.

Nội dung các công văn đề cập đến chênh lệch phí giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và các địa phương khác; Gây bất bình đẳng và có sự phân biệt đối xử.

Bộ Tài chính cũng cho hay, theo Điều 8, Luật Phí và Lệ phí, mức phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính hợp lý của Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND và rà soát nội dung Hiệp định Vận tải đường thủy Việt Nam - Campuchia để điều chỉnh Nghị quyết thu phí đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp với quy định.

Tại công văn số 3978/BTC-CST vừa gửi TP.HCM, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương báo cáo Hội đồng nhân dân TP. sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp quy định Luật Phí và lệ phí.

Xem xét thu khi đã phục hồi sau Covid-19

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, Đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM” đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua ngày 9/12/2020.

Sau giai đoạn ngắn trì hoãn thu do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam, ngày 29/3 vừa qua, UBND TP. HCM đã ra Thông báo số 43/TB-UBND quyết định áp dụng thu phí kể từ 1/4.

Ngay sau đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản khẩn báo cáo một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

“Với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP.HCM như hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn”, Ban IV cho biết.

Ban IV cho biết cũng đã tiếp nhận phản ánh từ hàng chục hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hóa VN; Hiệp hội Chủ hàng VN; Hội Vận tải thủy Nội địa Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam… cũng như khối doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai, Bình Dương.

Các Hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngay sau đại dịch.

Do đó, Ban IV và các Hiệp hội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP.HCM dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Ban IV cũng cho rằng, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp cũng đã cơ bản phục hồi, lúc này nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan.

Nguồn: Báo Giao Thông


Tin tức liên quan

Quy định về nhãn mác bắt buộc đối với hàng công nghiệp khi vào thị trường Bắc Âu
Quy định về nhãn mác bắt buộc đối với hàng công nghiệp khi vào thị trường Bắc Âu

Hiện nay, các qui định về nhãn mác của Thụy Điển phù hợp với các qui định chung của EU. Ngôn ngữ trên nhãn mác phải có ít nhất 1 trong ba thứ tiếng là Thuỵ Điển, Đan Mạch, và Na Uy.

Campuchia và Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng Cảng Sihanoukville
Campuchia và Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng Cảng Sihanoukville

Tại cuộc gặp làm việc giữa thủ tướng Nhật và Campuchia diễn ra ngày 23/4/2022 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao các nước Châu Á- Thái Bình Dương, thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ phát triển cảng biển nước sâu ở tỉnh Preah Sihanouk đồng thời cam kết duy trì hỗ trợ tài chính cho Dự án. Nhật Bản và Campuchia tăng cường quan hệ song phương từ quan hệ đối tác chiến lược lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cơ hội từ chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới
Cơ hội từ chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới

Mạng lưới Hộ chiếu logistics thế giới – World Logistics Passport (WLP) hiện chiếm 47% kim ngạch thương mại của toàn cầu.


Đã thêm vào giỏ hàng