Cách nào giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp?
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu NK đã và đang làm giảm sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất ra sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác là một trong những lưu ý trọng tâm trong phát triển công nghiệp giai đoạn tới, nhằm nâng cao tính tự chủ, cạnh tranh của toàn ngành.
Nhập khẩu 94% tư liệu sản xuất
Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, 8 tháng năm 2022, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 34,4%). Đáng chú ý, về cơ cấu nhóm hàng NK, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,3%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%); nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,1 điểm phần trăm. Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 81,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đề cập tới câu chuyện phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK trong sản xuất công nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: công nghiệp là ngành XK chủ lực, có mức tăng trưởng đều qua các năm, song vẫn có nhiều hạn chế, nội lực các DN rất yếu. “Việt Nam hiện chưa có DN hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh. Sản xuất phụ thuộc vào các nguyên liệu NK nên sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ở góc độ DN, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ: ngành thép Việt Nam từ nền công nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ nền công nghiệp thép với tổng công suất 25 triệu tấn thép thô/năm. Từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép NK, đến nay, Việt Nam vươn lên là quốc gia XK hàng chục tỷ USD. Cụ thể năm 2021, Việt Nam đã XK hơn 14 triệu tấn thép các loại, kim ngạch khoảng 12,7 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, ngành thép hiện nay cũng phải NK, đa số là NK nguyên liệu như quặng sắt và thép phế làm nguyên liệu và một số phụ tùng linh kiện để thay thế trong quá trình sản xuất. “Thời gian tới, điều đầu tiên là phải cân đối được cung-cầu, chủ động cung ứng nguồn nguyên đầu vào”, ông Thái nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên HĐTV, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ, hóa chất là ngành nền tảng, đóng vai trò là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Ngành hóa chất có các phân ngành từ phân bón, hóa chất cơ bản, khí công nghiệp, sản xuất cao su, hóa dầu, sản xuất hàng tiêu dùng, điện hóa... Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm cơ bản như xút, các loại H2SO4, HCl, H3PO4…., các loại hóa chất khác đáp ứng được đầu vào. Tuy nhiên, một số nguyên liệu Việt Nam cũng vẫn chưa tự chủ phải NK.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vật liệu
Thời gian tới, để góp phần nâng cao tính chủ động cung ứng thép cho các ngành chế biến, chế tạo, Hiệp hội thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng Chiến lược phát triển phát triển ngành thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có các chính sách đặc thù đảm bảo ngành thép Việt Nam phát triển nhanh, bền vững phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân có sử dụng thép làm vật liệu. “Nhà nước cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước để đảm bảo cho ngành thép Việt Nam phát triển nhanh, mạnh về hướng xanh, phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu”, ông Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Ông Phạm Tuấn Anh phân tích: thời gian tới, nền kinh tế thế giới sẽ theo xu hướng tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, các ngành, kéo theo đó là các chuỗi cung ứng cũng như hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có những điều chỉnh, đảm bảo tính bền vững, tránh tác động từ bên ngoài như trường hợp dịch bệnh Covid-19 vừa qua làm đứt gãy nguồn cung, mất nguồn hàng.
Chính vì vậy, trong phát triển công nghiệp Việt Nam phải phát triển tự chủ trong nước. Khi lựa chọn các ngành, phân ngành để phát triển công nghiệp trong thời gian tới phải dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp đang có thế mạnh và đang phát triển, đồng thời cũng dựa trên các tiêu chí khác. Ví dụ như, trong số các ngành công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển phải có những DN có tiềm năng để xây dựng thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển theo.
“Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, Việt Nam cũng phải phát triển các ngành sản xuất ra các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu. Đó là những vấn đề cần lưu ý trong phát triển công nghiệp giai đoạn tới”, ông Phạm Tuấn Anh nói.
Để phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư cũng như xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này nhằm khắc phục các điểm yếu cố hữu của nhóm DN này thông qua hỗ trợ vốn, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ. Mục tiêu hướng đến là hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Nguồn: Báo Hải Quan