Cải tiến logistics cho nông sản: Nâng cao hiệu quả và giảm lãng phí

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp công nghệ ngày càng phối hợp chặt chẽ hơn để đưa ra các gói sản phẩm quản trị cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, cũng như góp phần gia tăng nhận thức của doanh nghiệp về cộng đồng về phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản bền vững, giảm thiểu lãng phí và phát thải.

Là một quốc gia có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản, Australia đang đẩy mạnh việc cải tiến công nghệ trong hoạt động logistics cho sản phẩm rau quả, coi đó là động lực để giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, giảm thiểu rủi ro và lãng phí.

Có thể tham khảo một số ví dụ tiêu biểu nhất trong tháng 6/2022 như sau:

Escavox - Một công ty dữ liệu chuỗi cung ứng của Úc đang khuyến khích các nhà cung cấp sản phẩm tươi sống hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng của họ để nắm bắt cơ hội phát triển và tăng lợi nhuận thông qua việc hoạch định tốt các tuyến đường thương mại và giải quyết các vấn đề gây lãng phí thực phẩm cũng như nhiên liệu để vận chuyển và năng lượng để bảo quản nông sản trong quá trình sản xuất, lưu thông

Escavox theo dõi thực phẩm tươi sống để cung cấp khả năng hiển thị của dây chuyền lạnh, giúp dễ dàng nhìn thấy các vấn đề về nhiệt độ và thời gian tồn tại, đồng thời cho phép thực hiện các hành động xử lý kịp thời, do đó giảm nguy cơ sản phẩm bị khách hàng từ chối và hoặc mất mát, thất thoát trong quá trình phân phối. Giám đốc điều hành của Escavox cho biết công ty tập trung vào các giải pháp giúp khách hàng là nhà sản xuất, kinh doanh nông sản bảo vệ thương hiệu thông qua việc tuân thủ các thực hành sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng, hiệu quả lưu thông, thậm chí tạo thuận lợi cho logistics theo chiều ngược, bởi đó là những ưu tiên hàng đầu của khách hàng, thay vì trực tiếp giải quyết rác thải thực phẩm.

Nếu sản phẩm của doanh nghiệp nằm trên kệ hàng quá lâu mà không bán được do chất lượng kém thì khi thời hạn sử dụng, sản phẩm sẽ bị đổ bỏ hoặc bán hạ giá, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp thương hiệu và danh tiếng của nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Tập trung vào chất lượng, nghĩa là tập trung vào việc cải thiện chuỗi cung ứng, qua đó giải quyết vấn đề lãng phí. Trọng tâm của nỗ lực này là đo lường và quản lý chuỗi cung ứng của doanh nghiệp với thông tin được thu thập độc lập và theo thời gian thực.

Chất thải thực phẩm có thể được chia thành ba loại: sản phẩm không bao giờ rời khỏi trang trại; sản phẩm bị loại bỏ trong chuỗi cung ứng và thực phẩm được thải bỏ trong thùng rác gia đình hoặc trong quá trình sản xuất công nghiệp. Khoảng 25% sản phẩm bị thất thoát trong các khâu của chuỗi cung ứng do việc kiểm soát và xử lý kém sau khi rời khỏi nhà kho hoặc cơ sở đóng gói của trang trại. Giải quyết vấn đề này sẽ giúp giảm thiểu mất an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo cả chất lượng và số lượng rau quả cho người tiêu dùng cuối cùng.

Các công ty thường gặp khó khăn trong việc định lượng chi phí thực của chất thải vì họ không trực tiếp thống kê kiểm tra tổn thất, như đối với đầu vào và hậu cần. Một gợi ý từ mô hình quản trị chuỗi cung ứng nông sản của Escavox là hãy nhìn nhận chất thải nông nghiệp ở khía cạnh cơ hội; nếu doanh nghiệp cải thiện hoạt động, chẳng hạn như thông qua chuỗi cung ứng và quy trình bảo quản lạnh sẽ thu được những lợi ích từ nguồn chất thải này. Ví dụ nếu được thu gom, bảo quản và xử lý tốt, chất thải nông nghiệp có thể trở thành đầu vào cho sản xuất các sản phẩm khác và mang lại nguồn lợi mới cho doanh nghiệp.

Chi phí của việc tiêu thụ rau quả tính theo dặm vận chuyển (food mile) tính theo lượng khí thải toàn cầu

Trong tháng 6/2022, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food cho thấy lượng phát thải từ dặm đường vận chuyển nông sản toàn cầu, hay nói cách khác, chi phí vận chuyển thực phẩm cho con người, cao hơn 7,5 lần so với ước tính trước đó. Vận tải hàng hóa toàn cầu phục vụ việc tiêu thụ trái cây và rau quả tạo ra 36% lượng phát thải từ dặm đường thực phẩm, gần gấp đôi lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất của chúng. Chi phí môi trường của vận chuyển rau quả không chỉ là khí thải từ nhiên liệu vận chuyển mà còn cả chi phí chất làm lạnh và năng lượng để bảo quản độ tươi của sản phẩm.

 Nếu trái cây nhiệt đới trồng ở Cairns cần bán ở Melbourne, chúng thường được đưa lên phương tiện vận chuyển tốc độ cao, tốn kém, đốt nhiên liệu cao để xuống khu vực duyên hải phía đông nhằm đáp ứng khung thời gian eo hẹp trong chuỗi cung ứng, đó là chưa kể đến các tác động từ nhiệt độ và môi trường bên ngoài đến chất lượng và giá trị sử dụng của sản phẩm. Các bài toán tối ưu hóa logistics với thời gian và cách thức vận chuyển, bảo quản chính xác cần có ở từng khâu đoạn trong chuỗi cung ứng thì sẽ giúp rút ngắn thời gian, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng thời hạn sử dụng, do đó giúp giảm lãng phí thực phẩm, năng lượng để vận chuyển chúng. Điều này cũng sẽ giúp giảm áp lực phải tăng sản lượng sản xuất, tăng vụ để tạo ra khối lượng thực phẩm lớn gồm cả phần phục vụ tiêu dùng cuối cùng và bù trừ phần hao hụt khó tránh trong và sau thu hoạch.

Hơn nữa, nếu các mô hình logistics được thiết kế để tạo ra sự  ổn định của nhiệt độ thì có thể bảo quản trái cây tốt hơn và hiệu quả hơn về mặt chi phí, môi trường và chất thải. Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề chi phí trong vận tải rau quả do chứng minh rằng cách sản phẩm được xử lý 'trong chuỗi' cũng quan trọng đối với các chỉ tiêu về phát thải và chi phí năng lượng như quãng đường di chuyển.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong khi thương mại đường dài đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm bổ dưỡng và giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, ngành logistics cho nông sản cũng cần xác định các cách thực để giảm lượng khí thải trong vận chuyển cũng như nguồn năng lượng để bảo quản thực phẩm trong thời gian chờ đợi vì ách tắc. Một số khuyến nghị về việc thiết kế lại các tuyến đường vận chuyển cũng được đưa ra để giảm số dặm thức ăn (food mile) từ các trang trại ở Australia đến các thị trường tiêu thụ.

Nguồn: VITIC (Tham khảo báo cáo thị trường logistics Australia và New Zealand, số tháng 6/2022). 


Tin tức liên quan

Yêu cầu bắt buộc khi nhập khẩu trái vải tươi vào thị trường Bắc Âu
Yêu cầu bắt buộc khi nhập khẩu trái vải tươi vào thị trường Bắc Âu

Yêu cầu của người mua có thể được chia thành (1) yêu cầu bắt buộc, yêu cầu phải đáp ứng để tham gia thị trường, chẳng hạn như yêu cầu pháp lý, (2) yêu cầu chung, là những yêu cầu mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh đã thực hiện, nói cách khác, những yêu cầu cần tuân thủ để theo kịp thị trường và (3) yêu cầu của thị trường ngách đối với các phân khúc cụ thể.

Chuyển đổi xanh để xuất khẩu bền vững
Chuyển đổi xanh để xuất khẩu bền vững

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu và là một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Mặc dù, quá trình chuyển đổi xanh đều có lộ trình để thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 616 tỷ USD, sắp vượt kỷ lục năm 2021
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 616 tỷ USD, sắp vượt kỷ lục năm 2021

10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 75,99 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.


Đã thêm vào giỏ hàng