Chính thức có quy chuẩn kỹ thuật riêng dành cho bến xe hàng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng về bến xe hàng (quy chuẩn 114), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo quy chuẩn 114, các hạng mục công trình cơ bản của bến xe hàng được chia làm hai nhóm gồm: các công trình bắt buộc và các công trình dịch vụ thương mại.

Trong đó, các công trình bắt buộc gồm: Văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ; Khu vệ sinh; Cây xanh, thảm cỏ; Đường ra, vào bến xe hàng; Hệ thống cung cấp thông tin; Hệ thống thoát nước; Hệ thống phòng cháy và chữa cháy; Bãi đỗ xe ô tô hàng hóa.

Đối với công trình dịch vụ thương mại khác sẽ tuỳ theo nhu cầu của đơn vị kinh doanh bến xe hàng.

Bến xe hàng được phân làm 6 loại theo số thứ tự từ 1 đến 6, được xếp dựa theo các tiêu chí như: Tổng diện tích (tối thiểu); Trang thiết bị bốc, xếp bằng cơ giới; Văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ (tối thiểu); Diện tích khu vệ sinh; Diện tích dành cho cây xanh, thảm cỏ; Đường xe ra, vào bến; Mặt sân bến; Hệ thống cung cấp thông tin; Hệ thống thoát nước; Hệ thống cứu hoả.

Ngoài ra, bến xe hàng phải được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, trừ địa điểm nằm trong khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp, cảng hoặc nằm trong khu hạ tầng kỹ thuật khác đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh.

Quy chuẩn cũng quy định bãi đỗ xe ô tô hàng hoá phải được thiết kế hướng đỗ xe hợp lý, phù hợp với quy mô diện tích và không gian của bến xe hàng để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của từng loại phương tiện, bảo đảm an toàn, thuận tiện.

Diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô tải là 40m2, có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe theo quy định.

Đường lưu thông trong bến phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp (bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10m tính theo tim đường) theo quy định để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn.

Trong khi đó, đường ra, vào bến xe hàng được thiết kế cũng phải đảm bảo lưu thông, hạn chế tối thiểu xung đột giữa dòng phương tiện vào và ra. Hệ thống báo hiệu, rào chắn và các công trình đảm bảo an toàn giao thông khác được thiết kế, lắp đặt theo quy định tại QCVN 41: 2019/BGTVT.

Đối với quy định về khu vệ sinh, phải có biển chỉ dẫn đến khu vệ sinh rõ ràng, dễ nhận biết bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng. Vị trí bố trí không ảnh hưởng đến môi trường của các khu vực khác trong bến xe hàng.

Khu vệ sinh đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng, tường, mặt sàn và thiết bị sạch sẽ, số lượng, chất lượng các loại thiết bị vệ sinh theo quy định. Hệ thống thoát nước bảo đảm không để nước ứ đọng trên nền trong khu vệ sinh.

Đặc biệt, quy chuẩn cũng quy định bến xe hàng khi đưa vào khai thác phải đảm bảo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và hệ thống cung cấp thông tin (hệ thống phát thanh, số điện thoại đường dây nóng…).

Đơn vị kinh doanh bến xe hàng phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bến xe hàng để lưu trữ, trích xuất liên quan đến thông tin xe ra, vào bến; cung cấp dữ liệu cho Sở GTVT địa phương khi có yêu cầu.

Sở GTVT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này đối với các đơn vị kinh doanh bến xe hàng trên địa bàn địa phương.

Nguồn: Báo Giao Thông


Tin tức liên quan

Hướng dẫn mới về cấp C/O
Hướng dẫn mới về cấp C/O

Theo quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7/2023, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp phí.

Doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đứng đầu ASEAN để mở rộng kinh doanh
Doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đứng đầu ASEAN để mở rộng kinh doanh

60% doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ và Bangladesh.

Đà Nẵng: Năm 2030, dịch vụ logistics sẽ góp 15% vào tăng trưởng GRDP
Đà Nẵng: Năm 2030, dịch vụ logistics sẽ góp 15% vào tăng trưởng GRDP

Đề án Phát triển dịch vụ logistics của Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu từ 2030 đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP sẽ đạt 15%.


Đã thêm vào giỏ hàng