Chuyên gia nói về việc tái sử dụng container rỗng

Việc tái sử dụng container rỗng như một trong những giải pháp hữu hiệu cho thị trường logistics, trong bối cảnh thiếu container rỗng hiện nay.

Cắt giảm chi phí logistics

Tại hội thảo trực tuyến “Tầm quan trọng trong việc tái sử dụng container rỗng” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức chiều nay (19/7), Tổng thư ký VLA Nguyễn Duy Minh cho rằng, việc làm sao để tái sử dụng vỏ container (cont) rỗng không chỉ liên quan tới các doanh nghiệp vận tải, hãng tàu mà cả các doanh nghiệp XNK, chủ hàng trong mục tiêu tối ưu chi phí hiện nay.

Tái sử dụng container rỗng là một trong những hướng đi mới được đánh giá tích cực để giải quyết vấn đề thiếu container rỗng hiện nay

“Với các hãng tàu, việc tái sử dụng vỏ cont rỗng giúp tăng hệ số sử dụng vỏ, có ý nghĩa trong giai đoạn khan hiếm vỏ cont gần đây do tình trạng tắc nghẽn các cảng trên toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp chủ hàng, việc tái sử dụng mang lại lợi ích tối ưu về vận tải 2 chiều, cắt giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn ngành logistics, cũng là giải pháp cắt giảm phát thải carbon”, ông Minh nhận định.

Tổng Thư ký của VLA lấy ví dụ, lượng vận tải cont là 20 triệu Teus. Nếu quãng đường luân chuyển vỏ cont là 100km thì chỉ cần tận dụng vỏ cont rỗng với tỷ lệ 10%, ước tính 1 Teu sẽ cắt giảm được 50kg CO2. Do đó, nếu khoảng 2 triệu Teus được tái sử dụng, ước tính sẽ giảm 100.000 tấn CO2. Đồng thời, điều này cũng làm giảm sức ép lên hạ tầng giao thông.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Vũ Đan Khuyên - Giám đốc pPhát triển giải pháp và sản phẩm Smartlog (CTCP Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog) nhận định, việc tái sử dụng này sẽ cắt bớt việc chạy rỗng không cần thiết.

“Với nền tảng công nghệ, các nhà xuất nhập khẩu cùng lĩnh vực có thể kết nối, để tối ưu hóa tận dụng cont rỗng, cắt giảm chi phí hoạt động và tăng lợi thế cạnh tranh do không phải chờ đợi vỏ cont”, bà Khuyên nói.

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam

Theo các chuyên gia, hoạt động tái sử dụng và trao đổi container rỗng còn khá mới tại Việt Nam nên chưa nhiều doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, tại một số quốc gia như Singapore, Thái Lan, mô hình này đang được triển khai và phát triển, đạt được những kết quả ấn tượng. Như tại Thái Lan, theo báo cáo tháng 6/2022, mỗi tháng, khách hàng trao đổi và tái sử dụng khoảng hơn 900 cont.

Còn bất cập, tiềm ẩn rủi ro

Việc tái sử dụng vỏ cont rỗng có ý nghĩa trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao, doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí sản xuất nhằm tối đa hoá lợi nhuận. Thế nhưng, do mô hình tái sử dụng vỏ cont tại Việt Nam chưa được ứng dụng nhiều nên cũng tồn tại không ít bất cập.

Tổng giám đốc Công ty Cảng Năng lượng Bình Dương Cao Thị Quỳnh Giao đánh giá, mô hình này có thể làm thay đổi mô hình các depot trong tương lai. Hiện nay, depot là nơi chứa, cấp phát, giám định, sửa chữa (theo yêu cầu) cont rỗng trước khi được các chủ hàng giao cho chủ hàng mới.

Trường hợp tái sử dụng vỏ cont thì luồng vận chuyển sẽ thay đổi. Thay vì đưa vỏ cont tới depot để giám định, sửa chữa thì chủ hàng có thể đưa vỏ rỗng thẳng đến kho của khách đặt để đóng hàng.

“Một số chủ hàng có mặt hàng tương tự nhau thích sử dụng phương án này, vì không mất thời gian quá nhiều để thu thập lượng cont rỗng, giảm chi phí vận tải, nâng hạ, tiết kiệm thời gian trong khoảng chi phí nhất định. Theo thông kê, chủ hàng có thể tiết kiệm 14% chi phí khi tái sử dụng vỏ rỗng”, bà Giao cho hay.

Trường hợp các vỏ cont được tái sử dụng nhiều lần mà không qua kiểm tra, có thể tiềm ẩn rủi ro cho hàng hóa

Tuy nhiên, điều này cũng làm bỏ qua quy trình kiểm tra, giám định container nên có khả năng làm hỏng hàng hóa nếu vỏ có vấn đề và khiến nước mưa, nước biển hay ẩm xâm nhập.

Bà Giao thông tin thêm, mỗi 5 năm, một cont phải tái kiểm tra để xét khả năng đủ điều kiện đóng hàng hay không. Trường hợp tái sử dụng nhiều lần mà không qua kiểm tra, các vỏ cont có khả năng bị mài mòn, các răng bị hở làm tăng khả năng nước biển, mưa mặn xâm nhập.

Do đó, để đảm bảo vỏ rỗng đủ điều kiện vận chuyển, cần nhân viên có hiểu biết, kiến thức để kiểm tra khi sử dụng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Minh khuyến nghị, các chủ hàng, đơn vị vận tải khi chấp nhận tái sử dụng vỏ rỗng, phải có nhận thức về quản lý rủi ro, kiểm tra những khiếm khuyết, tiềm ẩn của cont.

Đồng thời, đào tạo nhân viên có kiến thức để kiểm tra vỏ bằng mắt thường, tránh rủi ro để phòng hư hỏng hàng hóa. Các hãng tàu cũng cần có công tác quan rlys rủi ro để tránh tái sử dụng quá nhiều lần.

Cùng đó, đối với vấn đề pháp lý, ông Minh khuyến nghị các sàn kết nối và các hãng tàu cần có phiếu biên nhận, tương đương biên bản giao nhận của các depot với chủ hàng.

“Do đây là mô hình mới tại Việt Nam, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm tới khía cạnh pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia”, ông Minh chia sẻ và đề xuất cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu, quản lý tình trạng các depot để biết tình trạng vỏ rỗng hiện nay đang như thế nào, mất cân bằng ra sao.

Điều đó cũng để các doanh nghiệp, thị trường biết tỷ lệ mất cân bằng đang như thế nào nhằm tìm ra giải pháp phù hợp.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp hiện nay đa phần tái sử dụng vỏ cont thông qua các phương thức truyền thống như các chủ hàng, công ty vận tải tự kết nối, liên hệ, rồi xin phép các hãng tàu cho tận dụng.

Với cách làm này, thách thức lớn nhất là thiếu nguồn thông tin để các đơn vị có cơ hội tái sử dụng vỏ cont. Do đó, ông Minh cho rằng thị trường cần thêm những nền tảng công nghệ để nâng cao việc tái sử dụng vỏ cont.

Nguồn: Báo Giao Thông


Tin tức liên quan

Qui mô thị trường ca cao Bắc Âu
Qui mô thị trường ca cao Bắc Âu

Ngành công nghiệp cũng như tiêu thụ ca cao ở Bắc Âu tương đối nhỏ. Do vậy, cách tốt nhất là tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngách, là thị trường với những người mua nhỏ hơn, tập trung vào chất lượng cao và tính bền vững.

Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) hợp tác phát triển hạ tầng cảng biển toàn cầu
Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) hợp tác phát triển hạ tầng cảng biển toàn cầu

Trong một báo cáo được công bố gần đây Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) đã trình bày một kế hoạch hành động chung để cải thiện cơ sở hạ tầng cảng toàn cầu nhằm phục vụ tốt hơn cho các công ty vận tải biển và các bên liên quan khác.

Xuất nhập khẩu với châu Á đạt 242 tỷ USD
Xuất nhập khẩu với châu Á đạt 242 tỷ USD

Châu Á là châu lục có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 64,6%.


Đã thêm vào giỏ hàng