Doanh nghiệp ngành nhựa trước triển vọng lớn cho xuất khẩu

Trong quý 1/2022, hầu hết doanh nghiệp ngành nhựa đều báo lợi nhuận với mức tăng trưởng rất cao. Nguyên nhân do ngành nhựa Việt Nam đang được hưởng lợi từ nhu cầu dịch chuyển đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia.

Gia tăng thị trường xuất khẩu

Nhiều lĩnh vực sản xuất phục hồi và khởi sắc sau đại dịch đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành nhựa mở rộng kinh doanh, kết nối thêm bạn hàng.

Theo các doanh nghiệp, năm 2022, triển vọng cho ngành nhựa rất thuận lợi nhờ việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA mà cả các nước khác để đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội của FTA.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, hiện doanh nghiệp có đầu ra tốt. Từ những tháng đầu năm 2022, Công ty đã có đơn hàng xuất khẩu liên tục, đáng chú ý nhất là đơn hàng khoảng 4.000 tấn đi thị trường châu Âu, với trị giá hơn 8 triệu USD.

Mới đây, An Phát Holdings chính thức hợp tác với Nexeo Plastics – nhà phân phối hạt nhựa hàng đầu thế giới để đưa nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Hoa Kỳ, Canada, Mexico. Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings cho biết, thị trường Bắc Mỹ, trong đó có Hoa Kỳ luôn là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Tập đoàn đã đăng ký thành công nhãn hiệu cho dòng sản phẩm sinh học AnEco tại Hoa Kỳ. Điều này không những được pháp luật bảo hộ mà còn mở đường, tạo cơ hội rộng lớn cho Tập đoàn thực hiện các dự án hợp tác kinh doanh.

Ngoài ra, lãnh đạo An Phát Holdings còn cho biết, Công ty đã động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT có công suất 30.000 tấn/năm tại Hải Phòng. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, An Phát Holdings sẽ có nhiều ưu thế vượt trội để chiếm lĩnh thị trường cũng như mở rộng sang các thị trường quốc tế khác.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, dẫu bị tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn đạt 4,93 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2020. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều tăng đơn đặt hàng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam. Trong đó, Mỹ nhập khẩu sản phẩm nhựa từ Việt Nam trị giá gần 1,85 tỷ USD, tăng 68,6%, chiếm 37,47% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa.

Khó khăn từ nguồn cung nguyên liệu

Mặc dù bức tranh lợi nhuận quý 1 của doanh nghiệp ngành nhựa nhiều màu sáng, nhưng vẫn có mảng xám. Đơn cử, Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai – DNP Holding ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nếu xét báo cáo riêng lẻ thì lợi nhuận lại giảm tới hơn 32% so với cùng kỳ. Lãnh đạo DNP Holding lý giải, doanh thu và lợi nhuận giảm chủ yếu do nhu cầu thị trường chung vẫn chưa phục hồi, đồng thời các chi phí nguyên vật liệu, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng do ảnh hưởng các vấn đề chính trị bất ổn trên thế giới.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á, ngành nhựa phụ thuộc vào nguyên liện nhập khẩu nên sự biến động của giá nguyên nhiên vật liệu ngành nhựa, việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu và sự tăng giá vận tải đường biển đã khiến cho các doanh nghiệp ngành nhựa phải đối diện với các thách thức từ biến động của thị trường nguyên liệu thế giới. Chỉ trong năm 2021, giá nguyên liệu năm đã tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua, bột nhựa PVC có thời điểm lên đến 1.800 USD/tấn trong khi thời điểm tháng 3/2020 chỉ giao dịch ở mức 700 USD/tấn.

Còn theo ông Chu Văn Phương Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty phải đối mặt với nhiều thách thức gia tăng trên thị trường, như cạnh tranh cao hơn do có thêm một số nhà sản xuất đầu tư máy móc thiết bị xây dựng nhà xưởng ở Nghệ An, Bắc Giang; giá nguyên liệu PVC đang ở mức cao, vượt trội hơn 2021 và những diễn biến bất thường của dịch bệnh có thể xảy ra trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, năm 2022, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra mục tiêu với doanh thu thuần đạt 5.175 tỷ, sản lượng đạt 102.000 tấn và lợi nhuận đạt 465 tỷ đồng, duy trì mức tăng trường tối đa 6%.

Với những khó khăn nêu trên, ngoài việc khắc phục bằng cách chủ động nguồn nguyên phụ liệu, gia tăng “bộ đệm” về tài chính, các doanh nghiệp mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý, như những ưu đãi về thuế, tín dụng, mặt bằng… cũng như hỗ trợ kết nối giao thương để các doanh nghiệp thêm khả năng bứt phá.

Nguồn: Hải Quan Online

 


Tin tức liên quan

Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) hợp tác phát triển hạ tầng cảng biển toàn cầu
Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) hợp tác phát triển hạ tầng cảng biển toàn cầu

Trong một báo cáo được công bố gần đây Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) đã trình bày một kế hoạch hành động chung để cải thiện cơ sở hạ tầng cảng toàn cầu nhằm phục vụ tốt hơn cho các công ty vận tải biển và các bên liên quan khác.

Áp dụng kỹ thuật số để thực thi Quy định chống phá rừng của EU trong ngành cà phê
Áp dụng kỹ thuật số để thực thi Quy định chống phá rừng của EU trong ngành cà phê

Quy định chống phá rừng của EU được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023 và áp dụng từ ngày 30/12/2024.

Bốn tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng 573,1% so cùng kỳ
Bốn tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng 573,1% so cùng kỳ

4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu.


Đã thêm vào giỏ hàng