Dự báo thị trường logistics Indonesia và các xu hướng chính

Theo báo cáo mới cập nhật vào tháng 01/2023 của công ty nghiên cứu thị trường Technavio, quy mô thị trường logistics hàng hóa ở Indonesia vào năm 2027 ước tính sẽ tăng 28,7 tỷ USD so với năm 2022.

Do Indonesia bao gồm các hòn đảo, có diện tích rộng lớn và đang mở cửa nền kinh tế với các hoạt động xuất, nhập khẩu liên tục gia tăng, tăng trưởng thị phần của phân khúc vận tải sẽ cao hơn các phân khúc khác trong giai đoạn dự báo. Nhu cầu về dịch vụ vận tải được dự đoán sẽ tăng ổn định trong giai đoạn đến năm 2027, chủ yếu là do sự tăng trưởng về vận tải hàng hóa đường biển và vận tải hàng hóa quốc tế trong giai đoạn dự báo.

Ngoài ra hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ tạo động lực vận tải đường bộ nội địa từ các nhà máy đến cảng biển, cửa khẩu và ngược lại.

 Trong khu đó ngành thương mại điện tử đang phát triển và các ngành sản xuất, chế biến chế tạo đang thúc đẩy nhu cầu vận chuyển và lưu kho hàng hóa, do đó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng chung của thị trường Logistics hàng hóa ở Indonesia trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sức chống chịu của ngành vẫn còn hạn chế và do đó hiện là mối quan ngại lớn đối với cả các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng của nước này nếu một cú sốc tương tự COVID-19 lại xảy ra. Thực vậy, theo Hiệp hội Logistics Indonesia (ALI), hiệu quả kinh doanh tổng thể của các công ty logistics nước này đã giảm khoảng 50% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Indonesia vào đầu tháng 3 năm 2020 và những ước tính sơ bộ cho thấy khối lượng hàng hóa  được vận chuyển đã giảm 60-70% trên diện rộng do các biện pháp khẩn cấp được chính phủ thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.  Tuy nhiên trong giai đoạn này, phân khúc B2C và C2C ghi nhận mức tăng trưởng ổn định do nhu cầu về thực phẩm, hàng dễ hỏng và cung cấp dịch vụ y tế tăng bất chấp những hạn chế xã hội quy mô lớn.

Sau COVID-19, khi ngành công nghiệp tại Indoneisa đang tự định vị để phục hồi và tăng trưởng, công nghệ sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng để cho phép tất cả các bên liên quan, bao gồm chủ hàng, nhà vận chuyển, chủ kho và nhà phân phối hàng hóa và nhà cung cấp các dịch vụ phụ trợ, trở nên hiệu quả hơn trong việc đáp ứng với thực tế thị trường đang thay đổi.

Logistics sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ vẫn là trụ cột của ngành dịch vụ vận tải. Vận tải đường bộ chiếm 70-80% tổng khối lượng hàng hóa được xử lý hàng năm trong biên giới Indonesia. Xét về giá trị/tiền tệ, thị phần của thị trường vận tải hàng hóa đường bộ đã duy trì trong khoảng 40-50% tổng quy mô thị trường Logistics.

Ngành vận tải biển đóng một vai trò quan trọng trong thương mại của Indonesia vì 90% hàng hóa xuất khẩu của Indonesia được vận chuyển bằng đường thủy.

Trong thời gian qua và dự báo trong năm 2023, các hãng tàu vẫn phải đối mặt với các vấn đề ảnh hưởng đến lịch trình và hiệu quả hoạt động của họ, ví dụ hạn chế về cơ sở hạ tầng tại cảng, thời gian chờ đợi và quay vòng, cũng như rủi ro tranh chấp lao động trong bối cảnh người lao động muốn tăng lương để đảm bảo chi tiêu khi kinh tế khó khăn.

Indonesia là một thị trường thương mại điện tử đầy hứa hẹn ở châu Á-Thái Bình Dương. Các công ty địa phương và toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường có dân số lớn nhất Đông Nam Á này. Tỷ lệ thâm nhập internet ngày càng tăng, các nỗ lực số hóa nền kinh tế và sự phổ biến của các trang web trực tuyến đã và đang thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử nhanh chóng tại Indonesia.

Mặc dù thị trường chưa phát triển như ở Malaysia hay Singapore, nhưng dân số hơn 260 triệu người của Indonesia đã tạo ra con số tăng trưởng tuyệt đối ở quốc gia này ở mức cao, với hàng triệu người mua sắm trực tuyến mới mỗi năm. Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet cao nhất trong khu vực, với gần 72,87% vào năm 2021.

Đại dịch COVID-19 ở góc độ tích cực đã thúc đẩy thương mại điện tử ở Đông Nam Á, bao gồm cả Indonesia. Yêu cầu giữ khoảng cách vật lý trong thời kỳ đại dịch đã mở đường cho các hoạt động mua sắm trực tuyến. Đại dịch cũng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chuyển sang các nền tảng trực tuyến. Theo báo cáo, số lượng giao dịch trực tuyến đối với cửa hàng tạp hóa và đồ ăn mang đi đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thời gian phong tỏa.

 Indonesia là nền kinh tế internet lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ chiếm 50% tổng số giao dịch thương mại điện tử ở Đông Nam Á vào năm 2025. Người mua sắm trực tuyến ở Indonesia đã tăng từ 75 triệu người trước covid lên 85 triệu người trong thời kỳ đại dịch.

Do sự gia tăng đột ngột của thương mại điện tử, nhu cầu vận chuyển sản phẩm tăng cao, đang rực tiếp thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ Logistics.

Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đang thúc đẩy thị trường vận tải hàng hóa tại Indonesia

Indonesia đang ở trong tình trạng tốt để phục hồi kinh tế nếu đại dịch COVID-19 và các cú sốc tương tự không bùng phát vào năm 2023. Nước này đạt thặng dư thương mại và xuất khẩu cao trong năm 2021 và 2022.

Ngành vận tải hàng hóa và Logistics của Indonesia không có mức độ tập trung ngành cao, đặc biệt là đối với các công ty quốc tế. Các doanh nghiệp quốc tế chiếm thị phần tương ứng khoảng 30% quy mô thị trường; 70% còn lại thuộc về các doanh nghiệp địa phương. Trong số các doanh nghiệp địa phương, mức độ tập trung ở mức trung bình và thậm chí mười công ty lớn nhất cũng không chiếm hơn 30% thị trường địa phương. Điều này có thể là do các công ty lớn tập trung nhiều hơn vào vận tải hàng hóa và cơ sở hạ tầng Logistics, và do đó, không bao phủ các dịch vụ logistics khác.

Một số công ty chủ chốt trên thị trường bao gồm Samudera, Siba Surya, Kamadjaja Logistics và CKB Logistics, trong số những công ty khác.

Do thị trường bị phân mảnh, áp lực cạnh tranh cao dẫn đến khá nhiều vụ sáp nhập và mua lại diễn ra trên thị trường. Ví dụ tháng 10 năm 2020, công ty khởi nghiệp Logistics Shipper của Indonesia đã mua lại hai công ty giao hàng địa phương là Porter và Pakde, qua đó có thể cung cấp cho người bán hàng trên thương mại điện tử các giải pháp kho bãi và hoàn thiện đơn hàng trên cơ sở gói giải pháp tích hợp vận chuyển cốt lõi của mình. Vào tháng 2 năm 2021, Warung Pintar mua lại công ty khởi nghiệp Logistics B2B Bizzy Digital, việc mua lại sẽ cho phép các công ty tạo ra "sức mạnh tổng hợp" từ các đầu đối diện của chuỗi cung ứng.

Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), trích từ Báo cáo thị trường logistics ASEAN, số tháng 01/2023.


Tin tức liên quan

Cơ hội xuất khẩu sang Nigeria
Cơ hội xuất khẩu sang Nigeria

Với số dân khoảng 200 triệu người, đứng đầu Châu Phi và xếp thứ 7 trên thế giới về dân số, Nigeria là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Phi. Nền nông nghiệp và công nghiệp chưa thực sự phát triển buộc quốc gia này phải nhập khẩu khoảng 90% lượng hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Các giải pháp của IATA nhằm tăng cường quản lý rủi ro và khả năng phục hồi của ngành hàng không toàn cầu
Các giải pháp của IATA nhằm tăng cường quản lý rủi ro và khả năng phục hồi của ngành hàng không toàn cầu

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hiện đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không, chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu.

Philippines dự kiến tăng giá lưu bãi container nước ngoài để giảm ách tắc
Philippines dự kiến tăng giá lưu bãi container nước ngoài để giảm ách tắc

Cơ quan quản lý cảng Philippine (PPA) đang đề xuất tăng phí lưu kho bãi đối với hàng container nước ngoài vượt quá thời gian lưu bãi miễn phí thêm 32% và đưa ra mức phụ phí 150% đối với container lạnh vượt quá thời gian lưu bãi miễn phí. Việc tăng phí được giải thích là nhằm thúc đẩy các chủ hàng nhanh chóng đưa container khỏi cảng và nhờ đó giảm bớt tắc nghẽn tại các bến cảng nước này.


Đã thêm vào giỏ hàng