Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 616 tỷ USD, sắp vượt kỷ lục năm 2021

10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 75,99 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10 (từ ngày 16-31/10) đạt 30,32 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 2,57 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2022.

Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 75,99 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ 2 tháng 10 năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,39 tỷ USD. Tính chung trong 10 tháng, cán cân thương mại thặng dư 9,59 tỷ USD.

Với con số này, bình quân mỗi tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đã đạt 61,63 tỷ USD/tháng. Với quy luật hàng năm, kim ngạch xuất nhập khẩu thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ cho dịp lễ, Tết, kết thúc năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có thể đạt con số 740 tỷ USD.

Trước đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.

Để tiếp tục đạt được các mục tiêu xuất khẩu cao, trong bối cảnh một số thị trường lớn của ta như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, nhu cầu giảm, Bộ Công Thương xác định, thời gian tới cần tập trung các giải pháp như hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Bên cạnh các giải pháp về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các tham tán thương mại cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

“Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất.

Đồng thời, tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Nguồn: Báo Công Thương


Tin tức liên quan

Thái Lan có kế hoạch tăng cường kết nối với các nước láng giềng bằng mạng lưới cảng container nội địa
Thái Lan có kế hoạch tăng cường kết nối với các nước láng giềng bằng mạng lưới cảng container nội địa

Tổng cục quản lý Cảng Thái Lan (PAT) có kế hoạch phát triển các cảng container nội địa để phục vụ cho việc kết nối vận tải  với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Xuất nhập khẩu với châu Á đạt 242 tỷ USD
Xuất nhập khẩu với châu Á đạt 242 tỷ USD

Châu Á là châu lục có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 64,6%.

Đòn bẩy phát triển vận tải thuỷ Việt Nam với Lào, Campuchia
Đòn bẩy phát triển vận tải thuỷ Việt Nam với Lào, Campuchia

Hợp tác toàn diện, phát triển vận tải với Lào

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VN) cho biết, trong chương trình chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác, trong đó có bản Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực GTVT đường thủy giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào.


Đã thêm vào giỏ hàng