Làn sóng bổ sung tàu container mới có thể giúp hạ giá cước?
Nếu sự thiếu hụt năng lực vận chuyển trong vài năm qua để lại hậu quả rất rõ nét đối với nền kinh tế toàn cầu, thì tình trạng dư thừa có thể lại là mảng màu chủ đạo cho bức tranh thị trường vận tải container toàn cầu trong thời gian tới.
Theo Drewry, danh sách đặt hàng các tàu container mới mà hầu hết trong số đó dự kiến sẽ được giao từ năm nay đến năm 2027 là hơn 900 tàu và những tàu này sẽ bổ sung khoảng 1/4 sức tải hiện có.
Sự gia tăng về nguồn cung từ các nhà máy đóng tàu ở Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tạo ra những thay đổi lớn về kết cấu thị trường.
Điểm mấu chốt là có quá nhiều nguồn cung vận chuyển container so với nhu cầu, đồng nghĩa với một đợt giảm giá cước vận tải biển trên diện rộng nếu các hãng tàu không sớm thực hiện các bước để cân bằng thị trường.
Theo chuyên gia Simon Heaney của Drewry: Không khả thi đối với các hãng vận tải để bổ sung công suất đóng mới theo đúng kế hoạch giao tàu. Vì vậy, họ sẽ phải trì hoãn, phá hủy, dừng hoạt động và vô hiệu hóa các chuyến đi để kìm hãm gánh nặng dư thừa.
Không chỉ giá container giao ngay đang phản ánh sự cân bằng cung-cầu đã dịch chuyển khỏi tình trạng thiếu hụt chỉ một năm trước, chỉ số vận chuyển Xeneta cho tháng 1 cho thấy mức giảm lớn kỷ lục trong lãi suất dài hạn - mức giảm so với tháng trước là 13,3%.
Thị trường vận tải đang bước vào mùa đàm phán hợp đồng, đó là tin đáng mừng cho các chủ hàng và những người khác đang cảm thấy lạm phát nhức nhối do giá cước vận chuyển tăng vọt.
Giám đốc điều hành Xeneta Patrik Berglund cho biết: “Các chủ hàng nhận thức rõ về động lực thị trường đang có lợi cho họ và đã phản ứng, thúc đẩy các hãng vận chuyển giảm giá cước trên quy mô lớn. Khi các hợp đồng mới có hiệu lực một mặt bằng giá cước mới sẽ hình thành trong trung hạn.
Lee Klaskow, nhà phân tích cấp cao về lĩnh vực logistics của Bloomberg Intelligence, tóm tắt triển vọng thị trường như sau: “Ngành vận tải container đã có lịch sử về những giai đoạn bùng nổ và suy thoái. Trong năm 2023, giá cước có thể sẽ suy yếu hơn nữa từ mức đỉnh không bền vững đạt được vào tháng 9 năm 2021. Kể từ đó, giá cước đã giảm khoảng 80% và sẽ khó tìm được sự hỗ trợ do nhu cầu không khả quan trong năm nay. Điều này có thể dẫn đến giá cước sụt giảm vào năm 2024”.
Hầu hết các hãng vận tải sẽ phải chấp nhận xu hướng chung của thị trường, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhu cầu vận chuyển sụt giảm.
Nguồn: Logistics Việt Nam