Phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải - Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.
 

Hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải - Cái Mép thành cảng mang tầm cỡ khu vực châu Á
Thủ Tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển mạnh kinh tế biển và hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Là địa phương có cảng biển được xếp hạng cảng đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải - Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.

Đồng thời, hình thành 7 trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Trong phương hướng phát triển ngành dịch vụ hàng hải và logistics, sẽ khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải sẽ gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển chủ yếu của khu vực Đông Nam Bộ.

Đồng thời, quy hoạch xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ đạt tầm quốc gia và quốc tế, đảm nhận chức năng phân phối hàng hóa của khu vực; Liên kết chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được phát triển với quy mô, chức năng cảng đặc biệt, bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi.

Phạm vi quy hoạch, chức năng, cỡ tàu được định hướng thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Vùng đất, vùng nước cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thực hiện theo Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển hệ thống cảng cạn, tăng năng lực thông qua hàng hóa của cảng biển

Bên cạnh phát triển hệ thống cảng biển, địa phương cũng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu, gồm: Cụm cảng cạn Mỹ Xuân, cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ (khu công nghiệp Phú Mỹ III), Cảng cạn Phước Hòa (cảng cạn Cái Mép).

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cảng cạn của Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu với năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang này đến năm 2030 khoảng từ 530.000-750.000 Teu/năm.

Ngoài ra, cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ và cảng cạn Phước Hòa đều nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

Trong đó, cảng cạn Phú Mỹ kết nối với đường khu công nghiệp, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, được quy hoạch với diện tích 30-40ha tới năm 2030 và năng lực lực thông qua đạt 300.000-400.000 Teu. Tổng mức đầu tư dự kiến cho cảng cạn này khoảng 1.050-1.400 tỷ đồng.

Cảng cạn Phước Hòa có phương thức kết nối đa dạng với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường thủy nối với kênh Rạch Ông và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải. Ngoài ra, cảng cạn cũng kết nối với ga cuối đường sắt khu vực Cái Mép (theo quy hoạch). Tới năm 2030, cảng cạn có tổng diện tích từ 15-20ha và năng lực thông qua đạt 150.000-200.000 Teu/năm.

Nguồn: Báo Giao Thông


Tin tức liên quan

Yêu cầu bắt buộc khi nhập khẩu trái vải tươi vào thị trường Bắc Âu
Yêu cầu bắt buộc khi nhập khẩu trái vải tươi vào thị trường Bắc Âu

Yêu cầu của người mua có thể được chia thành (1) yêu cầu bắt buộc, yêu cầu phải đáp ứng để tham gia thị trường, chẳng hạn như yêu cầu pháp lý, (2) yêu cầu chung, là những yêu cầu mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh đã thực hiện, nói cách khác, những yêu cầu cần tuân thủ để theo kịp thị trường và (3) yêu cầu của thị trường ngách đối với các phân khúc cụ thể.

Kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao
Kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao

Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương diễn ra chiều 22/12.

Vận tải biển đau đầu vì tiêu chuẩn mới
Vận tải biển đau đầu vì tiêu chuẩn mới

Hàng loạt hãng tàu trên thế giới đang đóng mới những con tàu đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải khí carbon. Trong khi đó, khả năng thay đổi của đội tàu Việt Nam là rất khó khăn.


Đã thêm vào giỏ hàng