Quy định mới tạo thuận lợi trong quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 15/7 và thay thế các thông tư số: 38/2018/TT-BTC, 62/2019/TT-BTC, 47/2020/TT-BTC, 07/2021/TT-BTC.

Cụ thể, Thông tư 33 quy định cụ thể về hồ sơ, kiểm tra xác định trước xuất xứ, khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục, nội dung kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thông tư mới quy định, người khai hải quan phải nộp cho cơ quan Hải quan chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

Người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

Hàng hóa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để chứng minh hàng hóa được nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

Hàng hóa quy định theo Danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này hoặc theo thông báo của các Bộ, ngành phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để xác định hàng hóa không có xuất xứ từ các nước có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

Hàng hóa thuộc Danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế số lượng.

Trường hợp hàng hóa được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan Hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10, Thông tư 33 nêu rõ: người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và được thông quan theo quy định.

“Người khai hải quan khai và nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan”, Thông tư 33 quy định.

Đối với hàng hóa nhập khẩu có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa áp dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai len, người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn hai năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn quy định, hàng hóa nhập khẩu được áp mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và cơ quan Hải quan xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định trong trường hợp số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp.

Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch giữa mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thông thường, cơ quan Hải quan cập nhật kết quả xử lý trên hệ thống và thông báo cho tổ chức tín dụng biết.

Thông tư nêu rõ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan Hải quan phải còn trong thời hạn hiệu lực bao gồm cả chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp mới thay thế, sửa lỗi, cấp sau, cấp giáp lưng hoặc bản sao chứng thực theo quy định của Hiệp định thương mại tự do tương ứng.

Đối với hàng hóa quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 10 Thông tư 33, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan; trường hợp không có thì hàng hoá không được thông quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hàng hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Thông tư 33, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng mức thuế theo các biện pháp do Bộ Công Thương quyết định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp thì được áp dụng mức thuế suất theo khai báo của người khai hải quan và hàng hóa được thông quan theo quy định.

Người khai hải quan khai và nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan để áp dụng mức thuế theo các biện pháp do Bộ Công Thương quyết định và được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định trong trường hợp số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp; trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp, cơ quan Hải quan cập nhật kết quả xử lý trên hệ thống và thông báo cho tổ chức tín dụng biết.

Nguồn: Hải Quan Online


Tin tức liên quan

Xanh hóa để phát triển logistics bền vững
"Xanh" hóa để phát triển logistics bền vững

Logistics xanh là hoạt động hướng tới các mục tiêu bền vững, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Trong tương lại gần đây sẽ là yêu cầu tất yếu.

Thống nhất phân loại hàng dùng trong hệ thống ABS và hệ thống ESP/ESC
Thống nhất phân loại hàng dùng trong hệ thống ABS và hệ thống ESP/ESC

Để đảm bảo thống nhất phân loại hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện phân loại hàng hóa đối với một số mặt hàng dùng trong hệ thống ABS và hệ thống ESP/ESC.

Cách nào giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp?
Cách nào giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp?

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu NK đã và đang làm giảm sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất ra sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác là một trong những lưu ý trọng tâm trong phát triển công nghiệp giai đoạn tới, nhằm nâng cao tính tự chủ, cạnh tranh của toàn ngành.


Đã thêm vào giỏ hàng