Sửa quy định quản lý đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan

Các quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan sẽ được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC nhằm đảm bảo công tác quản lý cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.

Bổ sung quy định về phương tiện vận tải

Hiện nay chưa có quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu có thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.

Do đó, để có cơ sở pháp lý đảm bảo cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với trường hợp này, dự thảo Thông tư đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên có liên quan: người khai hải quan; cơ quan Hải quan nơi đi; cơ quan Hải quan nơi thực hiện giám sát việc thay đổi phương tiện vận chuyển (trong trường hợp có thay đổi niêm phong hải quan); trách nhiệm của cơ quan Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến.

Chẳng hạn, dự thảo Thông tư quy định, người khai hải quan có trách nhiệm khai thông tin về phương thức vận chuyển của từng chặng vận chuyển theo chỉ tiêu thông tin được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư trên Hệ thống khi đăng ký tờ khai hải quan để thực hiện vận chuyển hàng hóa. Trường hợp việc thay đổi phương tiện vận chuyển nhưng không làm thay đổi niêm phong hải quan, người khai hải quan chịu trách nhiệm đảm bảo sự nguyên trạng của hàng hóa trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.

Trường hợp việc thay đổi phương tiện vận chuyển làm thay đổi niêm phong hải quan thì địa điểm được thực hiện thay đổi phương tiện vận chuyển gồm: khu vực cửa khẩu, ICD, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, hiện nay chưa có quy định về điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan. Do đó để đảm bảo yêu cầu đối với công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan, cũng như thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Hải quan năm 2014, dự thảo Thông tư sẽ bổ sung quy định về điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.

Cụ thể, phương tiện vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đủ điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa, bao gồm việc phải gắn và đảm bảo hoạt động bình thường của thiết bị giám sát hành trình.

Đảm bảo các điều kiện niêm phong hải quan đối với hàng hóa chứa đựng trên phương tiện. Đối với phương tiện vận tải đường bộ, hàng hóa phải được chứa đựng trong container, xi téc, thùng xe tải kín; đối với phương tiện vận tải đường sắt, hàng hóa phải được chứa đựng trong container, xi téc, toa xe thùng kín; đối với phương tiện vận tải đường thủy, hàng hóa phải được chứa đựng trong container, xi téc, khoang chứa hàng hoặc hầm hàng có cửa kín.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đưa ra điều kiện: container, xi téc, thùng xe tải kín, toa xe thùng kín, khoang chứa hàng hoặc hầm hàng có cửa kín phải đảm bảo không bị thủng, rách vỡ; có tay khóa, chốt có lỗ đảm bảo gắn được niêm phong của cơ quan Hải quan; chốt bản lề, chốt tay khóa phải sử dụng đinh tán cố định, không sử dụng bu lông, ốc vít.

Đối với hàng rời được phép vận chuyển bằng xe tải thùng hở nóc hoặc toa xe đường sắt cửa lật hở nóc hoặc chứa đựng trong khoang chứa hàng, hầm hàng hở nóc của phương tiện vận tải thủy; hàng hóa siêu trường, siêu trọng, cồng kềnh được phép vận chuyển bằng xe tải sàn phẳng hoặc toa xe đường sắt mặt bằng hoặc chứa đựng trên sàn tàu của phương tiện vận tải thủy, tuy nhiên phải sử dụng bạt liền che phủ kín toàn bộ hàng hóa, có lỗ khuy để luồn dây cáp liền cố định bạt phủ và thùng xe hoặc toa xe hoặc khoang chứa hàng, hầm hàng, sàn tàu để thực hiện niêm phong hải quan.

Đảm bảo yêu cầu quản lý hàng vận chuyển độc lập

Các quy định liên quan đến hàng hóa quá cảnh, vận chuyển độc lập cũng được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Thông tư để đảm bảo yêu cầu quản lý.

Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, đối với hồ sơ hải quan đối với hàng hóa quá cảnh bổ sung thêm chứng từ “Hợp đồng dịch vụ quá cảnh”. Bổ sung thêm chứng từ Bản kê chi tiết hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu, trừ trường hợp đã khai các thông tin chi tiết về hàng hóa trên tờ khai hải quan và trừ trường hợp hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định chưa có thông tin trước về hàng hóa.

Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển hàng hóa vận chuyển độc lập cũng được sửa đổi, bổ sung. Hiện nay hướng dẫn khai báo về ngày dự kiến kết thúc vận chuyển đang quy định: đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ; không quá 1 ngày đối với quãng đường dưới 500km, không quá 3 ngày đối với quãng đường từ 500km trở lên; đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa, không quá 2 ngày đối với quãng đường dưới 500km, không quá 5 ngày đối với quãng đường từ 500km trở lên.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, hướng dẫn về thời gian vận chuyển trên chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động vận chuyển của hàng hóa chịu sự giám sát hải quan. Do đó để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, một số chỉ tiêu về thời gian vận chuyển được sửa đổi, cụ thể như sau: đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, không quá 2 ngày đối với quãng đường dưới 500km, không quá 5 ngày đối với quãng đường từ 500km trở lên.

Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa, không quá 5 ngày đối với quãng đường dưới 500km, không quá 7 ngày đối với quãng đường từ 500km trở lên.

Nguồn: Hải Quan Online


Tin tức liên quan

Lưu ý mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm tươi sống sang Indonesia
Lưu ý mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm tươi sống sang Indonesia

Bộ Nông nghiệp Indonesia vừa có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm tươi sống (Fresh Food of Plant Origin-FFPO) bổ sung thêm một số thông tin khi tiến hành thực hiện khai báo Thông báo trước (Prior Notice) đối với các lô hàng xuất khẩu vào nước này với hiệu lực thực hiện từ 10/05/2022.

Quy định nhập khẩu mới của Algeria
Quy định nhập khẩu mới của Algeria

Nhằm giảm kim ngạch nhập khẩu và hợp lý hóa chi tiêu công, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước, Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Algeria gần đây đã ban hành những biện pháp mới về quản lý nhập khẩu.

Các tuyến, luồng thương mại và thị phần của các hãng tàu trên Biển Đen thay đổi thế nào trong 6 tháng qua
Các tuyến, luồng thương mại và thị phần của các hãng tàu trên Biển Đen thay đổi thế nào trong 6 tháng qua

Lưu lượng container của Nga đã giảm nhưng không nhiều; tuy nhiên các tuyến/luồng thương mại và thị phần của các hãng vận tải đang thay đổi rõ rệt. 


Đã thêm vào giỏ hàng