Tận dụng đối đa Hiệp định EVFTA, tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU trong bối cảnh mới

Sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận kết quả khả quan. Tuy nhiên, bối cảnh lạm phát và khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là những thay đổi từ thị trường EU dự báo sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ Hiệp định này.

Xu hướng mở rộng, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận kết quả khả quan. Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021).

Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Hiệp định EVFTA đi vào thực thi cũng góp phần đáng kể giúp hàng hóa Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Theo tính toán từ số liệu Eurostat, thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối 08 tháng năm 2022 chiếm 1,8%, cao hơn các nước ASEAN như Malaysia chiếm 1,2%, Thái Lan chiếm 0,9%, Indonesia chiếm 0,7%, Singapore chiếm 0,7%. Rõ ràng đây là những kết quả rất tích cực và sự khởi đầu thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ Nguyễn Thảo Hiền nhận định, trong bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng. Hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ suy giảm, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận tải tăng lên. Đặc biệt, xu hướng EU tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững.

Hiện nay với lợi thế từ EVFTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, đến các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững…. EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi. Theo thống kê sơ bộ từ Văn phòng SPS Việt Nam, 2 năm kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực (tháng 8/2020 - 8/2022), EU đã công bố khoảng 71 dự thảo và điều chỉnh khoảng 146 quy định liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, EU đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Hàng loạt các đề xuất quy định mới đã được Ủy ban châu Âu công bố thời gian gần đây, điển hình như Cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM(2021)706, hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn… Việc triển khai các quy định trên có khả năng tác động đáng kể đến xuất khẩu hàng hóa, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng nông nghiệp đến công nghiệp.

Đổi mới công nghệ, gia tăng chuỗi liên kết

Để tận dụng cơ hội, gia tăng xuất khẩu, bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ EVFTA.

Để phát triển thị phần tại thị trường EU, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Doanh nghiệp nên đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp.

Trong sản xuất, ngoài việc chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong nước cũng nên tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, có thể tìm kiếm các đối tác đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn công nghệ, nguồn vốn cũng như kinh nghiệm của các nước phát triển.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Thảo Hiền cũng lưu ý, hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương


Tin tức liên quan

Người khai hải quan được sử dụng kết quả xác định mã số lô hàng trước cho lô hàng tiếp theo
Người khai hải quan được sử dụng kết quả xác định mã số lô hàng trước cho lô hàng tiếp theo

Theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT- BTC, người khai hải quan được sử dụng thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa của lô hàng đã được thông quan trước đó để khai tên hàng, mã số cho các lô hàng tiếp theo có cùng tên hàng, thành phần, tính chất lý hóa, tính năng, công dụng, NK từ cùng một nhà sản xuất trong thời hạn 3 năm.

Qui mô thị trường ca cao Bắc Âu
Qui mô thị trường ca cao Bắc Âu

Ngành công nghiệp cũng như tiêu thụ ca cao ở Bắc Âu tương đối nhỏ. Do vậy, cách tốt nhất là tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngách, là thị trường với những người mua nhỏ hơn, tập trung vào chất lượng cao và tính bền vững.

Hiệp hội vận tải kỹ thuật số container cam kết áp dụng 100% vận đơn điện tử (eBL) vào năm 2030
Hiệp hội vận tải kỹ thuật số container cam kết áp dụng 100% vận đơn điện tử (eBL) vào năm 2030

Hiệp hội vận tải container kỹ thuật số (DCSA) vào ngày 16/2/2023 thông báo 9 thành viên là các hãng vận tải biển lớn với quy mô hoạt động toàn cầu cam kết áp dụng 100% vận đơn điện tử (eBL) dựa trên các tiêu chuẩn của DCSA vào năm 2030.


Đã thêm vào giỏ hàng