TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ấn tượng

Xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM trong tháng 5/2022 tiếp tục tăng cao, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng qua tăng trưởng ấn tượng, với mức gần 8%.

Xuất khẩu tăng gần 8%

Theo phân tích của UBND TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022 cùng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp TPHCM vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước trong tháng 5 ước đạt 4.455,4 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.285,4 triệu USD, tăng 12,6%.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu qua cảng TPHCM lại giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng TPHCM trong tháng 5 chỉ đạt 3.458,9 triệu USD, giảm 2,7% so với tháng trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 20.706,2 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 19.837,2 triệu USD, tăng 7,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng TPHCM (gồm cả dầu thô) trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 17.703,1 triệu USD, tăng nhẹ ở mức 0,1% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.067,7 triệu USD, tăng 12,9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 5.684,3 triệu USD, tăng 15,0%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.951,1 triệu USD, giảm 7,2%...

Nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao. Chẳng hạn, nhóm hàng nông sản xuất khẩu đạt 1.904,2 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ và chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, cà phê có sản lượng xuất khẩu đạt 135,7 nghìn tấn, đạt 282,4 triệu USD, tăng 31,6%; cao su có sản lượng xuất khẩu đạt 98,6 nghìn tấn với trị giá đạt 223,3 triệu USD, tăng 5,1%.

Nhóm hàng công nghiệp có trị giá xuất khẩu đạt 12.613,6 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,9%. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có trị giá xuất khẩu đạt 6.851,0 triệu USD, tăng 4,2%; dệt, may xuất khẩu đạt 1.810 triệu USD, tăng 30,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác xuất khẩu đạt 1.139,5 triệu USD, tăng 18,6%...

Doanh nghiệp phục hồi mạnh

Theo đánh giá của UBND TPHCM, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và khởi sắc; lao động tại các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở lại làm việc bình thường; hoạt động thương mại, ăn uống nhộn nhịp; khách quốc tế đến thành phố gia tăng... cho thấy doanh nghiệp phục hồi khá mạnh sau đại dịch Covid-19.

Từ đầu năm 2022 đến ngày 20/5/2022, TPHCM đã cấp phép 17.259 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 226.848 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,5%.

Với sự phục hồi mạnh, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 28.446,5 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 8.308,8 triệu USD, tăng 14%, chiếm tỷ trọng 35,4%; nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 11.928,7 triệu USD, tăng 11,8%, chiếm 50,9%; nhóm hàng tiêu dùng đạt 1.159,2 triệu USD, tăng 47,1%... so với cùng kỳ.

Bên ạnh đó, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn TPHCM nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước và đạt được mức tăng trưởng dương. Nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người tiêu dùng và kích cầu mua sắm.

Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước tăng đã ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, cũng như giá và doanh thu của nhiều nhóm ngành hàng và dịch vụ trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 ước đạt 96.281 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, so với tháng trước, chỉ riêng nhóm các ngành dịch vụ khác có mức giảm là 4,7% do ảnh hưởng của doanh thu bất động sản giảm 7,9%; các nhóm còn lại đều tăng.

Hiện TPHCM đang tiếp tục triển khai các giải pháp về giãn, giảm thuế; hỗ trợ lãi suất vay, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... nhằm tạo thuận lợi nhất giúp các doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Hải Quan


Tin tức liên quan

Hóa chất gây rối loạn nội tiết
Hóa chất gây rối loạn nội tiết

Theo thông tin từ Cơ quan Hóa chất Thụy Điển, các chất hiện được chỉ định là đặc biệt nguy hiểm, trong số những thứ khác, là chất gây ung thư, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến sinh sản. Chúng có thể được tìm thấy trong mọi thứ từ sơn, giấy, hàng dệt may, da, lông thú, nhựa, mực in.

Các kênh phân phối ca cao chính ở Bắc Âu
Các kênh phân phối ca cao chính ở Bắc Âu

Nhà xuất khẩu có thể sử dụng các kênh khác nhau để đưa ca cao đến thị trường Bắc Âu. Việc gia nhập thị trường sẽ thay đổi tùy theo chất lượng hạt ca cao và khả năng cung ứng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhập khẩu trực tiếp vào các nước Bắc Âu nhìn chung ít phổ biến hơn so với một số nước châu Âu khác.

Giá nhiên liệu tăng tạo áp lực lớn lên chi phí logistics và chi tiêu dùng tại Nhật Bản
Giá nhiên liệu tăng tạo áp lực lớn lên chi phí logistics và chi tiêu dùng tại Nhật Bản

Giá dầu thô tăng đã đẩy chi phí vận chuyển và các chi phí logistics khác đồng loạt tăng (ví dụ như chi phí đóng gói, lưu kho, bảo quản hàng hóa) tại Nhật Bản, trong khi đồng yên yếu hơn đang làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu nói chung. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng của nước này (không bao gồm thực phẩm tươi sống có biến động giá lớn) từ tháng 4/2022 đã tăng lên ngưỡng cao nhất trong 7 năm trở lại đây.


Đã thêm vào giỏ hàng