Vượt qua Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 5 thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam. Đà tăng này giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ, tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 10.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2022, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng 50% đạt 65 triệu USD. Đà tăng này giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ, tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 10. với mức tăng này, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 5 thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam.
Lũy kế 10 tháng năm 2022, XK tôm sang Trung Quốc đạt mức 547 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích nguyên nhân tôm Việt Nam XK sang Trung Quốc đạt cao, bà Kim Thu cho rằng, sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm ở một số khu vực sản xuất tôm chính. Nhu cầu nhập khẩu tôm tăng để phục vụ lễ hội Trung thu, ngày Quốc Khánh, và dịp Tết nguyên đán khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm trong những tháng vừa qua.
Theo Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 80.000 tấn, giảm so với mức 87.000 tấn nước này nhập khẩu trong tháng 9.
Nguồn cung từ Ấn Độ (chủ yếu là tôm bỏ đầu), giảm xuống một nửa còn 10.000 tấn trong tháng 10 từ 20.000 tấn trong tháng 9 nhập khẩu từ Ecuador giảm 5.000 tấn so với 49.000 tấn trong tháng 9.
10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 691.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá nhập khẩu tăng 65% đạt 4,52 tỷ USD.
Dự kiến nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong tháng 11 và 12 có thể tiếp tục giảm so với những tháng trước đó, dù vẫn ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là sự sụt giảm nhu cầu theo mùa sau khi tăng cường dự trữ cho Tết nguyên đán. Nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng mạnh trở lại sau Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam nằm trong top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia. Việt Nam nắm gần 8% thị phần tại Mỹ, Trung Quốc trong năm 2022 và đang tăng dần thị phần tại EU sau hai năm có EVFTA bất chấp Covid-19. Riêng về thị trường Trung Quốc, ông Hoè cho biết 10 tháng năm 2022, dù áp dụng chính sách Zero Covid, Trung Quốc vẫn nhập khẩu thủy sản trên 15 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019, nên thị phần của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này rất lớn.
Ngành tôm, dù vẫn tăng 18% và mang về giá trị XK cao nhất gần 3,8 tỷ USD, nhưng tỷ trọng của ngành tôm năm nay là 40%, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm tăng mạnh 5 tháng đầu năm, sau đó chững lại, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ trong một số tháng. Nửa cuối năm, XK tôm bị sụt giảm vì thị trường giảm nhu cầu và thiếu nguyên liệu trong nước. Giá tôm trung bình XK cũng không tăng mạnh được như cá tra vì áp lực cạnh tranh rất lớn với 2 nước Ecuador và Ấn Độ.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có thông điệp rằng sẽ không nới lỏng ngay lập tức chính sách zero- COVID. Tuy nhiên, Trung Quốc từ tháng 7/2022 đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý cũng lưu ý doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng, nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro vì sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý.
Nguồn: Báo Hải Quan