Xuất khẩu cà phê dự báo tiếp tục thắng lớn

Sau khi đạt kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, ngành cà phê tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào niên vụ tới nhờ những yếu tố thuận lợi từ thị trường cũng như nỗ lực của ngành trong việc đẩy mạnh chế biến và đáp ứng các quy định mới của EU.

Kỷ lục mới

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2022 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023 - 2024, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.

Một điểm đáng chú ý trong niên vụ này là giá cà phê đạt mức cao nhất trong gần 30 năm qua. Tuy nhiên, do tình trạng giá thấp suốt thời gian dài, nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi cây trồng trước đó để trồng sầu riêng, trái cây và người nông dân không đầu tư nhiều cho cây cà phê, chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã. Tình trạng này cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã khiến sản lượng cà phê bị thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới ở mức thấp nhất qua các năm. Cụ thể, trong niên vụ trước, tồn kho cuối vụ vào tháng 9/2022 ở mức khoảng 160.000 tấn, trong khi tháng 9/2023 chỉ ở mức khoảng 58.000 tấn. Sản lượng sụt giảm mạnh là nguyên nhân khiến giá cà phê tăng cao.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex cho biết, dù giá cao lịch sử ở mức 70.000 đồng/kg nhưng nông dân đã bán hết ở mức 60.000 đồng/kg. Thị trường lần đầu xuất hiện tình trạng thiếu hàng và DN phải mua hàng giá cao để giao cho các đơn hàng đã ký trước với giá thấp.

Theo VICOFA, kể từ tháng 8/2023 đến nay, số lượng cà phê xuất khẩu giảm nhiều. Tháng 10/2023, lượng xuất khẩu chỉ đạt 43.725 tấn, tương đương 54% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024 sản lượng giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Với dự báo này, ông Đỗ Hà Nam cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó, tại Trung Quốc, giới trẻ cũng ngày càng ưa thích cà phê hơn trà.

Kỳ vọng nhiều cơ hội mới

Trong cơ cấu cà phê xuất khẩu của niên vụ này, cà phê Robusta chiếm tỉ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD, cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD. Đáng chú ý, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023).

Trong thời gian tới, hoạt động chế biến được kỳ vọng sẽ mang lại động lực mới cho ngành cà phê, giúp nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê. Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Indonesia luôn bán cà phê nguyên liệu với giá cao nhất thế giới bởi họ có trụ đỡ là ngành chế biến cà phê chiếm đến 50% sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, để đầu tư vào chế biến đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, công nghệ… Tín hiệu tích cực là từ khi có Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), không chỉ DN Việt Nam và DN nước ngoài cũng đầu tư vào chế biến cà phê rất nhiều và đang nâng dần tỷ lệ cà phê chế biến xuất khẩu.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết, xuất phát từ trăn trở về việc cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, thế giới chưa biết nhiều về cà phê Việt Nam, Phúc Sinh đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu K Coffee để đẩy mạnh sự hiện diện của thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo đó, Phúc Sinh hợp tác với các nông hộ ở vùng trồng, đến xây dựng các nhà máy chế biến sâu, liên tục cập nhật các công nghệ chế biến cà phê chuẩn quốc tế để cho ra thành phẩm cà phê nguyên chất, sạch và thơm ngon.

Từ năm 2022, sản phẩm K Coffee đã được phân phối tại 37 bang ở Mỹ và nhận được phản hồi rất tốt. Cuối tuần qua, Phúc Sinh tiếp tục ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation để mở rộng phân phối sản phẩm cà phê K Coffee tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Australia và New Zealand từ tháng 12/2023.

Cùng với các DN Việt Nam, với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chế biến cà phê Việt Nam cũng đang thu hút không ít DN nước ngoài. Đầu tháng 10/2023, Công ty CP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (sở hữu chuỗi Highlands Coffee) đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy rang cà phê Cao Nguyên, vốn đầu tư tới 500 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tham vọng đưa cà phê rang xay Việt Nam lên bản đồ thế giới. Nhà máy có công suất đạt gần 10.000 tấn cà phê/năm giai đoạn đầu và có thể tăng lên 75.000 tấn/năm giai đoạn tiếp theo. Trước đó ít ngày, 2 DN châu Âu là Louis Dreyfus Company (LDC) và Instanta Sp. z o.o. (Instanta) cũng đưa vào hoạt động liên doanh ILD Coffee Việt Nam, với nhà máy chế biến cà phê có công suất 5.600 tấn/năm tại Bình Dương.

Bên cạnh hoạt động chế biến, ngành cà phê cũng kỳ vọng sẽ biến thách thức thành cơ hội bằng việc đáp ứng các quy định mới của thị trường EU như quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR); luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) và chứng chỉ các bon…

Liên quan đến những quy định này, theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, Vicofa đã có nhiều buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), tổ chức cà phê 4C, Ban tư vấn phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) để bàn giải pháp tuân thủ quy định cũng như các biện pháp hỗ trợ các DN ngành cà phê. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức hội nghị để triển khai về EUDR, cũng như đã làm việc trực tiếp với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường Liên minh châu Âu về việc Việt Nam cam kết luôn có trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường qua việc thực hiện khẩn trương EUDR và CBAM theo quy định của Liên minh châu Âu.

Ông Đỗ Hà Nam tin tưởng, khi Việt Nam đáp ứng được các quy định của EU, giá cà phê chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.

Nguồn: Báo Hải Quan


Tin tức liên quan

Thay đổi danh sách các sản phẩm động vật được kiểm tra tại trạm kiểm tra biên giới khi nhập khẩu vào khu vực EEA
Thay đổi danh sách các sản phẩm động vật được kiểm tra tại trạm kiểm tra biên giới khi nhập khẩu vào khu vực EEA

Ngày 2 tháng 6 năm 2022, Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy đã ban hành các quy định thực hiện Quy định (EU) 2021/632 về việc động vật và các sản phẩm động vật phải được kiểm tra tại một điểm kiểm soát biên giới và Quy định (EU) 2021/630 về việc các sản phẩm hỗn hợp được miễn kiểm tra tại điểm kiểm soát biên giới.

6 giải pháp tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030
6 giải pháp tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Quyết định 1445/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Thị trường vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu sắp có hãng hàng không lớn nhất
Thị trường vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu sắp có hãng hàng không lớn nhất

Tập đoàn vận chuyển CMA CGM mua lại hãng hàng không Air France-KLM: Việc hợp nhất với CMA CGM có thể giúp  Air France-KLM trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đường hàng không.
 


Đã thêm vào giỏ hàng