Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 10/2022

Trong tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 151,7 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 309,7 triệu USD, tăng 22,9% so với tháng 9/2022 và tăng 28,1% so với tháng 10/2021. Tính chung trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc tăng nhập khẩu quả chuối từ Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, đạt 213,3 triệu USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2021

Xuất khẩu rau quả đã có sự khởi sắc trong tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 151,7 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021. Tính chung, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực như: Trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. Sau sầu riêng, cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt 219 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021; Thái Lan đạt 153,4 triệu USD, tăng 26,4%; Nhật Bản đạt 141,3 triệu USD, tăng 6%...

Cục Xuất nhập khẩu cũng dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu quả chuối (HS 0803) của Trung Quốc trong tháng 9/2022 đạt 74,3 triệu USD, tăng 12,5% so với tháng 9/2021. Trong 9 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu quả chuối của Trung Quốc đạt 948,56 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc nhập khẩu chuối nhiều nhất từ thị trường Philippines, trong 9 tháng năm 2022 đạt 375,5 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu quả chuối từ Philippines chiếm 39,6% tổng trị giá nhập khẩu, giảm 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, Trung Quốc tăng nhập khẩu quả chuối từ Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, đạt 213,3 triệu USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối của Trung Quốc giảm. Dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối Trung Quốc giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu chuối từ Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng mạnh nhập khẩu quả chuối từ Campuchia, Ecuador và Lào trong 9 tháng năm 2022.

Nguồn: Báo Công Thương


Tin tức liên quan

Xu hướng mới: Các nhà sản xuất thực phẩm Bắc Âu chuyển sang sử dụng màu thực phẩm tự nhiên
Xu hướng mới: Các nhà sản xuất thực phẩm Bắc Âu chuyển sang sử dụng màu thực phẩm tự nhiên

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Bắc Âu mua sản phẩm có nhãn sạch. Họ muốn thực phẩm không có chất phụ gia nhân tạo. Do đó, các nhà sản xuất thực phẩm Bắc Âu đang chuyển sang sử dụng màu thực phẩm tự nhiên. Sự thay đổi từ các thành phần tổng hợp sang tự nhiên này tạo cơ hội cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu quế đứng đầu thế giới
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu quế đứng đầu thế giới

Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 300 triệu USD mỗi năm.

Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) hợp tác phát triển hạ tầng cảng biển toàn cầu
Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) hợp tác phát triển hạ tầng cảng biển toàn cầu

Trong một báo cáo được công bố gần đây Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Cảng và Bến cảng Quốc tế (IAPH) đã trình bày một kế hoạch hành động chung để cải thiện cơ sở hạ tầng cảng toàn cầu nhằm phục vụ tốt hơn cho các công ty vận tải biển và các bên liên quan khác.


Đã thêm vào giỏ hàng