Xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD
Xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD, tuy nhiên, năm 2023, ngành hàng này đối diện với thách thức về bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng.
Chiều 26/11, diễn ra Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”. Sự kiện do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, Trang Thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn) phối hợp cùng Greenpan Vietnam tổ chức.
Xuất khẩu năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - nhận định, ước năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 2,5 tỷ USD; hải sản đạt 3,2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%; tất cả các thị trường đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 15 - 75%, trừ thị trường Anh chỉ tăng 3%, trong khi thị trường Nga vẫn tăng trưởng 0,2%.
TOP 4 thị trường chính chiếm 74%. Trong đó, Hoa Kỳ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD và Anh trở thành thị trường lớn thứ 7. Kết quả đạt được là nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp về nguyên liệu, sản xuất; sự linh hoạt và kiên trì với xu hướng tiêu dùng; đẩy mạnh trang thiết bị và chuyển đổi số và hướng tới sản xuất xanh, trách nhiệm xã hội cao ngay trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ông Trương Đình Hòe cho hay, hiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong TOP 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia. Với gần 8% thị phần tại Hoa Kỳ, Trung Quốc trong năm 2022 và xuất khẩu thủy sản đang tăng dần thị phần tại EU sau 2 năm có EVFTA bất chấp Covid-19.
Nhận diện thách thức ngành thủy sản 2023
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cho biết, sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ… lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp trong ngành.
Trong khi đó, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt; lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thuỷ sản thông qua hình thức trực tiếp và online cho thấy, có tới có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.
Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.
Với câu hỏi “Doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp gì để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động?”, đa phần đều lựa chọn ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho.
Đồng thời, có tới 87% doanh nghiệp nhận thức được vấn đề đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, tuy nhiên số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai và chỉ 13% doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực đầu tư ngay.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận chi tiết về các các vấn đề như: triển vọng xuất khẩu thủy sản 2023, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; những biến số vĩ mô tác động đến doanh nghiệp thủy sản 2023 kèm giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản; các giải pháp logistics, quản trị hàng tồn kho.
Ông Trương Đình Hòe cho hay, ngành thủy sản đang đối mặt với những thách thức nội tại như: vấn đề về cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ; chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo Quy định IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi. Song song với đó là nhưng thách thức từ bên ngoài như: lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng; cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn; thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý Covid-19.
Mặc dù được đánh giá tăng trưởng mạnh trong năm 2022, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế, khó khăn thị trường quý IV/2022 và năm 2023 là vấn đề tỷ giá ở các thị trường lớn (trừ Hoa Kỳ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường này.
Những thách thức mà doanh nghiệp cần vượt qua gồm: cạnh tranh giá với các nước khu vực; chi phí vận chuyển cao; ‘thẻ vàng’ và ‘thẻ đỏ’ IUU đối với thủy sản; vấn đề chế biến sâu đòi hỏi đổi mới công nghệ sản xuất và cả vấn đề nguồn nguyên liệu ổn định. Những thách thức này đòi hỏi nguồn vốn lớn cho đầu tư hệ thống kinh doanh và sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại khó đáp ứng.
Bức tranh ngành thủy sản 2023 không hoàn toàn 'màu xám'. Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, dự kiến năm 2023, vốn tín dụng ngân hàng thương mại vào bất động sản hạ nhiệt sẽ chuyển hướng cho các công ty sản xuất kinh doanh đáp ứng vốn lưu động hiện tại. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành Thủy sản tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp ngành này nhằm giảm những áp lực về nguồn vốn, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi cung ứng giá trị sẽ giảm nhu cầu vốn của các công ty. Bên cạnh đó, mô hình công ty cổ phần đại chúng sẽ giúp huy động vốn thuận lợi. Chuẩn hóa hoạt động kinh doanh theo tiêu chuẩn và minh bạch tài chính sẽ tiếp cận được vốn lãi suất tốt (7%) từ các Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam….
Ở góc độ xuất khẩu, ông Trương Đình Hòe nhận định, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại. Thủy sản Việt Nam đã có thị phần tại các địa phương nhập khẩu lớn như Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này hiện chiếm tỷ lệ 87% nhập khẩu. “10 tháng năm 2022, dù áp dụng chính sách ‘Zero Covid’, Trung Quốc vẫn nhập khẩu thủy sản trên 15 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019”, ông Trương Đình Hòe dẫn chứng.
Mặt khác, ngành thủy sản Việt Nam với lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển. Công suất chế biến thực tế 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiện nay. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công nhận tương đương cho ngành xuất khẩu cá tra. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng. Những yếu tố này sẽ tạo lực đỡ cho thủy sản Việt Nam trong năm 2023.
Nguồn: Báo Công Thương