Xuất nhập khẩu 2023 về đích quanh mốc 680 tỷ USD

Kết quả đạt được trong 11 tháng và diễn biến gần đây cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 nhiều khả năng về đích quanh mốc 680 tỷ USD.

11 tháng đạt 19,36 tỷ USD

Chiều 15/12, Tổng cục Hải quan công bố diễn biến chính của hoạt động xuất nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 11/2023 (từ ngày 16/11 đến ngày 30/11/2023).

Theo đó, kim ngạch trong kỳ 2 đạt 30,96 tỷ USD, tăng 5,2% (tương ứng tăng 1,53 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2023.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 11/2023 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng qua lên 619,36 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này vẫn giảm 8,2% (tương ứng giảm 55,56 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 425,27 tỷ USD, giảm 9,3% (tương ứng giảm 43,5 tỷ USD); xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 194,09 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 12,06 tỷ USD).

Với kết quả trên, kỳ 2 tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,78 tỷ USD. Tính chung trong 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 25,86 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với con số 10,32 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước.

Nếu duy trì quy mô kim ngạch trên 60 tỷ USD/tháng như những tháng gần đây, kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hoặc vượt con số 680 tỷ USD, giảm khoảng 50 tỷ USD so với năm 2022 (năm ngoái đạt hơn 730 tỷ USD).

Dù giảm nhiều so với năm 2022, nhưng kim ngạch đạt được trong năm nay vẫn là con số cao thứ 2 trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam và là kết quả tích cực trong một năm đầy khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch trong kỳ 2 tháng 11 đạt 16,37 tỷ USD, tăng 11,7% (tương ứng tăng 1,72 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 11/2023.

Xuất khẩu kỳ 2 tháng 11 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng chủ lực như:

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 257 triệu USD (tương ứng tăng 10,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 184 triệu USD (tương ứng tăng 10%); hàng dệt may tăng 166 triệu USD (tương ứng tăng 12,8%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 152 triệu USD (tương ứng tăng 7,2%); cà phê tăng 120 triệu USD (tương ứng tăng 103%); xăng dầu các loại tăng 91 triệu USD (tương ứng tăng 184%); giày dép các loại tăng 89 triệu USD (tương ứng tăng 9,7%); sắt thép các loại tăng 87 triệu USD (tương ứng tăng 31,2%)...

Lũy kế hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 322,61 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 20,01 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11 đạt 14,59 tỷ USD, giảm 1,2% (tương ứng giảm 184 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2023.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 11 giảm so với kỳ trước đó chủ yếu ở các nhóm hàng như:

Dầu thô giảm 221 triệu USD (tương ứng giảm 54%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 137 triệu USD (giảm 3,2%); ngô giảm 83 triệu USD (tương ứng giảm 66,9%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 80,8 triệu USD (tương ứng giảm 16,4%); dược phẩm giảm 55 triệu USD (tương ứng giảm 27,7%)...

Tuy nhiên, kỳ 2 tháng 11 cũng nghi nhận một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng so với kỳ trước như: Than các loại tăng 249 triệu USD (tương ứng tăng 115,8%); sắt thép các loại tăng 75 triệu USD (tương ứng tăng 15,2%); xăng dầu các loại tăng 74,9 triệu USD (tương ứng tăng 34,2%); hạt điều tăng 28,3 triệu USD (tương ứng tăng 64,2%)...

Hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 296,75 tỷ USD, giảm 10,7% (tương ứng giảm 35,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, 11 tháng qua, xuất khẩu có xu hướng giảm chậm hơn so với nhập khẩu.

Nguồn: Báo Hải Quan


Tin tức liên quan

Một số khuyến cáo để tránh rủi ro cho các nhà giao nhận khi thực hiện Hệ thống kiểm soát nhập khẩu mới (ICS2) của EU
Một số khuyến cáo để tránh rủi ro cho các nhà giao nhận khi thực hiện Hệ thống kiểm soát nhập khẩu mới (ICS2) của EU

Các chủ hàng vận tải hàng không và giao nhận hàng hóa phải đảm bảo tuân thủ Phiên bản hai của Hệ thống kiểm soát nhập khẩu mới (ICS2) của Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.

Cơ chế nào giúp kinh tế hàng hải đột phá hậu Covid-19?
Cơ chế nào giúp kinh tế hàng hải đột phá hậu Covid-19?

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế hỗ trợ tài chính cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa tạo đà cho DN hàng hải bứt phá trong và sau dịch Covid-19.

Cảng Houston (Hoa Kỳ) thu phí lưu trú để thúc đẩy giải phóng container tồn ứ
Cảng Houston (Hoa Kỳ) thu phí lưu trú để thúc đẩy giải phóng container tồn ứ

Cảng Houston (Hoa Kỳ) đã quyết định thu Phí lưu trú tại cảng đối với các container hàng nhập khẩu từ ngày 01 tháng 02 năm 2023.


Đã thêm vào giỏ hàng