Cơ hội xuất khẩu mặt hàng thế mạnh sang thị trường Ấn Độ

Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, những thay đổi về chính sách ngoại thương của nước này cần được quan tâm.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác. Trong khi đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng và lợi thế hợp tác trong các lĩnh vực như nông, thủy sản, sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ấn Độ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,7 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn đạt kim ngạch tăng so với cùng kỳ, cụ thể: gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 21 triệu USD, tăng 171%); giày dép các loại (đạt 73 triệu USD, tăng 20%); hàng dệt, may (đạt 44,6 triệu USD, tăng 2,7%); sản phẩm từ cao su (đạt 5,2 triệu USD, tăng 21%); cà phê (đạt 27 triệu USD, tăng 73%); sắt thép các loại (đạt 142 triệu USD, tăng 590%)…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, vừa qua, Ấn Độ ban hành chính sách ngoại thương mới với mục tiêu sẽ xuất khẩu 1.000 tỷ USD hàng hóa và 1.000 tỷ USD dịch vụ vào năm 2030. Ấn Độ vừa là đối tác xuất nhập khẩu đứng thứ 8 của Việt Nam, thị trường tiềm năng còn nhiều dư địa để khai thác, vừa là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đối với một số mặt hàng trên thị trường xuất khẩu toàn cầu như: dệt may, thủy sản, giầy da, nông sản... Vì vậy, chính sách ngoại thương của Ấn Độ không chỉ tác động tới xuất nhập khẩu của Ấn Độ mà còn ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi đánh giá, Ấn Độ ban hành chính sách ngoại thương 2023, trong đó đặt trọng tâm cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước để thúc đẩy xuất khẩu là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Ấn Độ.

Đáng chú ý trong chính sách ngoại thương 2023 này, Ấn Độ công bố mục tiêu xuất khẩu đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030, trong đó, mục tiêu xuất khẩu hàng hóa đạt 1.000 tỷ USD và mục tiêu xuất khẩu dịch vụ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo mục tiêu này, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ sẽ đạt mức 10%. Trên thực tế, kết thúc năm tài chính 2022-2023 (tháng 4/2022 – tháng 3/2023), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ đã đạt 1.161 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 447 tỷ USD, tăng 6% so với năm tài chính 2021-2022; nhập khẩu đạt 714 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm tài chính 2021-2022.

Theo Vụ thị trường châu Á-châu Phi, chính sách ngoại thương 2023 của Ấn Độ cũng sẽ gắn liền với việc Ấn Độ thực hiện đơn giản hóa hoạt động kinh doanh thông qua quản lý, cấp phép và phê duyệt các giấy tờ trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh Ấn Độ đưa ra chính sách ngoại thương 2023 với nhiều điểm đáng lưu ý, đồng thời thúc đẩy tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng và nhóm mặt hàng dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gồm nhóm hàng nông thủy sản, gia vị, nhóm hàng phục sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị nông nghiệp.

Vụ thị trường châu Á-châu Phi cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản (cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, gừng, nghệ…), thủy sản nguyên liệu, phân bón, hóa chất, máy móc nông nghiệp, các sản phẩm hàng tiêu dùng...

Đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường là một trong những giải pháp được DN triển khai trong thời gian qua nhất là trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Nam Á, châu Phi… Đối với thị trường Nam Á, Bộ Công Thương tiếp tục đặt sự quan tâm vào thị trường Ấn Độ với sức mua và nhu cầu thị trường lớn (1,4 tỷ dân). Song song đó, thị trường Bangladesh, Pakistan cũng sẽ được chú trọng như là bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Nguồn: Logistics Việt Nam


Tin tức liên quan

Xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc cần nghiêm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc cần nghiêm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Sau khi phát hiện các mẫu ớt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, Hàn Quốc đã siết chặt kiểm soát ớt xuất khẩu sang thị trường này.

Vận chuyển xuyên Thái Bình Dương liệu có hình thành mặt bằng giá cước mới?
Vận chuyển xuyên Thái Bình Dương liệu có hình thành mặt bằng giá cước mới?

Giá cước vận chuyển container đường biển giữa Hoa Kỳ và châu Á sụt giảm do lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định RCEP gồm 11.414 dòng thuế
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định RCEP gồm 11.414 dòng thuế

Việt Nam không chịu nhiều áp lực về mức độ mở cửa thị trường hàng hóa khi thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (Hiệp định RCEP), việc thực thi cam kết trong khuôn khổ RCEP về cơ bản không tạo sức ép về giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam.


Đã thêm vào giỏ hàng