Cước giảm hơn 60%, dừng tuyến container từ cảng Cửa Lò đi Ấn Độ

Sản lượng hàng hóa và cước vận tải đều giảm, hãng tàu gặp khó khiến tuyến vận tải duy nhất kết nối Bắc miền Trung đi Ấn Độ phải dừng lại.

Cước vận tải biển giảm mạnh

Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, doanh nghiệp mở tuyến vận tải tàu container trực tiếp từ cảng Cửa Lò tới Kolkatar (Ấn Độ) - Chitagong (Bangladesh) cho biết, sau gần 1 năm mở tuyến, tuyến vừa chính thức dừng lại.

“Sản lượng hàng hóa thời gian qua giảm mạnh ở cả hai đầu Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi giá cước vận tải thấp, khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nên phải tìm phương án khai thác khác”, vị đại diện này chia sẻ.

Tuyến tàu container đầu tiên kết nối khu vực miền Trung đi Ấn Độ phải dừng vì chủ tàu "gặp khó" do giá cước và sản lượng hàng hóa đều thấp

Cũng theo đại diện của hãng vận tải Biển Đông, hãng tàu và doanh nghiệp cảng đã trao đổi thường xuyên, nhưng vẫn không thể duy trì được tuyến vận tải. Theo đó, so với thời điểm mở tuyến cách đây khoảng 1 năm, giá cước vận tải từ Việt Nam đi Ấn Độ hiện nay đã giảm 60 – 70%.

Trước đó, tuyến tàu là tuyến đường biển kết nối khu vực Bắc miền Trung Việt Nam và Kolkatar (Ấn Độ) và được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho việc mở thêm những tuyến tàu đi quốc tế trực tiếp từ cảng biển miền Trung.

Việc mở tuyến cũng giúp các doanh nghiệp XNK tại khu vực có thêm tuyến dịch vụ gần để vận chuyển, tiết kiệm chi phí logistics thay vì phải chở hàng ra Hải Phòng để xuất đi, rút ngắn thời gian và chủ động hơn so với việc phải chuyển hàng qua cảng trung chuyển.

Tuy nhiên sau khi mở tuyến, hãng tàu duy trì khoảng 1 chuyến/tháng. Theo lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh, các địa phương như Thanh Hoa, Nghệ An, Hà Tĩnh... còn nhiều khó khăn, thị trường kém hơn các tỉnh phía Bắc - Nam. Do đó, tàu đi tuyến quốc tế chưa có đủ lượng hàng để vận chuyển thường xuyên.

Doanh nghiệp chờ chính sách hỗ trợ

Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò chưa được thông qua. Ảnh. BNA

Thời gian qua, được biết sản lượng hàng hóa qua cảng Cửa Lò liên tục giảm. Hàng container ra vào cảng được đánh giá còn ít, thiếu ổn định, chiếm tỷ lệ từ 30 - 40% tổng hàng hóa qua cảng và có chiều hướng giảm (từ 1,63 triệu tấn năm 2020 xuống còn 1,30 triệu tấn năm 2022) và mất cân đối giữa hàng đi và hàng đến, dẫn đến khả năng khai thác hàng hóa 2 chiều của các hãng tàu để giảm chi phí, duy trì hoạt động thường xuyên gặp nhiều khó khăn.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được địa phương hỗ trợ phần nào chi phí như một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh để góp phần giảm bớt gánh nặng cho chủ tàu, tạo đòn bẩy thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò.

Đáng chú ý, việc dừng tuyến tàu trong bối cảnh Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam thời gian qua đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò (tỉnh nghệ An).

Dự thảo đề xuất áp dụng chính sách cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò, trừ hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảng.

Trong đó, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến/mỗi tháng với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò có tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng với mức đối với container 20 feet là 600 nghìn đồng/container, container 40 feet trở lên là 1 triệu đồng/container.

Các hãng tàu và các doanh nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng chính sách được quyền lựa chọn phương thức nhận kinh phí hỗ trợ theo tháng hoặc một lần (12 tháng).

Nguồn: Báo Giao Thông


Tin tức liên quan

Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu sang Anh kể từ ngày 1/1/2023 cần lưu ý gì?
Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu sang Anh kể từ ngày 1/1/2023 cần lưu ý gì?

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh - cho biết: Kể từ ngày 1/1/2023, hầu hết sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh buộc phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây.. UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Anh. Nhãn hiệu này rất quan trọng đối với những doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang thị trường nước này.

Sửa quy định quản lý đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan
Sửa quy định quản lý đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan

Các quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan sẽ được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC nhằm đảm bảo công tác quản lý cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.

Quy định nhập khẩu mới của Algeria
Quy định nhập khẩu mới của Algeria

Nhằm giảm kim ngạch nhập khẩu và hợp lý hóa chi tiêu công, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước, Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Algeria gần đây đã ban hành những biện pháp mới về quản lý nhập khẩu.


Đã thêm vào giỏ hàng