Nhiều mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng dương

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD).

Chạm mốc gần 500 tỷ USD

Sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, sang đến tháng 9, xuất khẩu có dấu hiệu “hụt hơi”, khi giảm 4,1% so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong quý 3/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý 2/2023. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%. Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong quý 3/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý 2/2023. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%. Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).

Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2022 (quý 3 ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,9%), trong đó: dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD (chiếm 46,5% tổng kim ngạch), gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,1 tỷ USD (chiếm 28,6%), tăng 6,6%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2023 ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,1 tỷ USD (chiếm 43,6% tổng kim ngạch), giảm 5,9%; dịch vụ du lịch đạt 5,4 tỷ USD (chiếm 25,9%), tăng 9,9%.

Xuất khẩu đang dần phục hồi

Từ những con số trên có thể thấy, 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước, tháng 9 đã có tín hiệu khả quan khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng ước đạt 259,7 tỷ USD, tuy vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 9 đã có mức tăng dương với mức 4,6%, và đây là xu hướng tích cực trong 3 tháng giảm sâu gần đây (tháng 6 giảm 13,8%; tháng 7 giảm 3,4%; tháng 8 giảm 7,6%). Trong đó, khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đều đạt tăng trưởng dương, tương ứng là 17,9%; và 0,5% (kể cả dầu thô).

Điểm tích cực thể hiện qua 2 điểm, thứ nhất, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá: rau quả 9 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% (riêng tháng 9 tăng 160%); hạt điều ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3% (tháng 9 tăng 39,6%); gạo ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 40,4% (tháng 9 tăng 80,4%).

Thứ hai, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương trong tháng 9 như: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,1% (giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 41,2 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,0% (9 tháng đạt 39 tỷ USD). Riêng 2 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 31% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu, tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hoá khi tốc độ tăng trưởng của tháng 9 đã đạt dương với mức 2,6% sau nhiều tháng giảm sâu (tháng 6 là -14,5%; tháng 7 là -9,9%; tháng 8 là -8,3%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đã tăng 7,0% (tháng 6 là -17,8%; tháng 7 là +0,4%; tháng 8 là -1,7%); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3% (tháng 6 là -12,5%; tháng 7 là -15,4%; tháng 8 là -11,6%).

Ngoài ra, nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện trong tháng 9 cũng tăng 31,1% so với cùng kỳ (9 tháng ước đạt 63 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2% (9 tháng ước đạt 30,5 tỷ USD). Riêng 02 mặt hàng này chiếm đến 39,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Nếu xét theo quý, cũng có thể nhận thấy tốc độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng phục hồi. Trong đó, xuất khẩu quý 2 tăng 8,1% so với quý 1; quý 3 tăng 10,3% so với quý 2. Nhập khẩu quý 2 tăng 4,0% so với quý 1; quý 3 tăng 11,0% so với quý 1.

“Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trên, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm”, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ khẳng định.

Nguồn: Báo Hải Quan


Tin tức liên quan

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI giảm hơn 41 tỷ USD
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI giảm hơn 41 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 236,81 tỷ USD, giảm 14,8% (tương ứng giảm 41,19 tỷ USD) so với cùng kỳ 2022.

Cập nhật tình hình 10 cảng biển lớn nhất của Trung Quốc năm 2022
Cập nhật tình hình 10 cảng biển lớn nhất của Trung Quốc năm 2022

Một trong những cảng phát triển nhanh nhất của Trung Quốc là cảng Thanh Đảo, nơi có một số sáng kiến ​​công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy thương mại và minh bạch thương mại. Một cụm công nghệ thông minh đang được SITC phát triển tại cảng Thanh Đảo. Ngoài ra, Cảng Thanh Đảo đã trở thành cảng thông minh 5G và cảng chạy bằng hydro đầu tiên trên thế giới.

Khủng hoảng thiếu điện buộc EU sẽ phải tìm kiếm nguồn thép rẻ ở châu Á gồm Việt Nam?
Khủng hoảng thiếu điện buộc EU sẽ phải tìm kiếm nguồn thép rẻ ở châu Á gồm Việt Nam?

Với việc EU sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, người mua thép EU sẽ cần tìm kiếm các nguồn thép rẻ hơn ở châu Á, bao gồm Việt Nam...


Đã thêm vào giỏ hàng