Bốn tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng 573,1% so cùng kỳ

4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng 4/2023 và tăng 137,7% so với tháng 5/2022.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan.

Hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối là có trị giá giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, trị giá xuất khẩu trái sầu riêng tăng rất mạnh, đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.

Đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, thì trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Liên quan đến mặt hàng sầu riêng, theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Trong đó, chỉ riêng tháng 5, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn.

Theo Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc), thanh long, chuối, sầu riêng, xoài… là các loại trái cây chủ yếu mà Trùng Khánh nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thanh long từ Việt Nam đạt 20 triệu USD; các loại trái cây khác đạt trên 2,8 triệu USD. Quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Việt Nam như sau: Sầu riêng đạt hơn 26 triệu USD; thanh long đạt gần 8,9 triệu USD; chuối đạt 101 nghìn USD.

Ông Hùng Tiên Quân - Phó Cục trưởng Hải quan Côn Minh (Trung Quốc) - cho biết, từ ngày 1/6, Hải quan Côn Minh và phía Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau. Trước mắt, sản phẩm chỉ giới hạn ở quả sầu riêng. Bên cạnh đó, sắp tới đơn vị này sẽ áp dụng các biện pháp giảm thời gian thông quan như: khai báo sức khỏe, hàng hóa đầu cuối, thanh toán qua QR Code... Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan cho quả sầu riêng.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 293 vùng trồng sầu riêng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hơn 820.000 tấn sầu riêng, trong đó, nhập khẩu khoảng 780.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan. Dự báo, lượng sầu riêng nhập khẩu năm nay sẽ dễ dàng đạt hoặc vượt 900.000 tấn. Sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan được dự báo sẽ tăng trong năm nay, nhưng thị phần của sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc cũng sẽ bùng nổ. "Với nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay và lọt vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo.

Trong khi sầu riêng Thái khá đắt nhưng vị ngon và ngậy. Sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với Thái Lan, chỉ khoảng hơn 1 ngày và đang nhanh chóng được thị trường Trung Quốc đón nhận nhờ giá rẻ hơn.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu sầu riêng trong tương lai. Với Hiệp định này, nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có thể trở thành các nhà cung cấp sầu riêng lớn của Trung Quốc.

Để cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng sầu riêng Việt Nam phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu.

Ngoài việc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký Nghị định thư với chủng loại quả măng cụt và chuối. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các chủng loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.

Cùng đó, đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu các chủng loại quả của Việt Nam.

Riêng với chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, trong 4 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Chủng loại sản phẩm chế biến luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh ngành hàng rau quả sụt giảm trong năm 2022.

Đây là chủng loại có nhiều tiềm năng xuất khẩu, bởi hiện tại nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Do đó, Cục Xuất Nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng khai thác phân khúc này, góp phần gia tăng trị giá xuất khẩu ngành hàng rau quả trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Công Thương


Tin tức liên quan

Giai đoạn 2021 – 2030: Chuyển dịch xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu
Giai đoạn 2021 – 2030: Chuyển dịch xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu

Bên cạnh việc duy trì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức bình quân 6-7%/năm, giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của hoat động xuất khẩu hàng hóa là chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu; đa dạng hóa thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Dự thảo Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của VN thực hiện AJCEP
Dự thảo Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của VN thực hiện AJCEP

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2022 – 2028 (Hiệp định AJCEP).

Thái Lan có kế hoạch tăng cường kết nối với các nước láng giềng bằng mạng lưới cảng container nội địa
Thái Lan có kế hoạch tăng cường kết nối với các nước láng giềng bằng mạng lưới cảng container nội địa

Tổng cục quản lý Cảng Thái Lan (PAT) có kế hoạch phát triển các cảng container nội địa để phục vụ cho việc kết nối vận tải  với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.


Đã thêm vào giỏ hàng