Từ 01/10, 4 sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải thực hiện CBAM

Từ 01/10/2023, Cơ chế CBAM của EU có hiệu lực, trước mắt hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU phải nộp báo cáo phát thải khí nhà kính.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng từ ngày 01/10/2023 và thực hiện thí điểm trong 3 năm để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU làm quen, trong giai đoạn này các hàng hóa xuất khẩu vào EU phải nộp báo cáo phát thải. Sau giai đoạn chuyển tiếp, CBAM sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.

Trước đó, ngày 08/02/2023, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã công bố những cập nhật mới nhất về kế hoạch triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).

Trong khoảng thời gian này, CBAM sẽ dần được áp dụng song song với việc loại bỏ dần các hạn ngạch miễn phí trong Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU-ETS). Do đó, CBAM sẽ chỉ áp dụng đối với tỷ lệ phát thải không được hưởng lợi từ hạn ngạch miễn phí của ETS trong giai đọa 2026 - 2034.

Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp”, ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.

Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.

Nhà nhập khẩu EU phải khai báo trước ngày 31/05 hàng năm về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.

CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 01/10/2023.

Như vậy các sản phẩm sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chính thức bị đánh thuế carbon khi xuất khẩu vào EU từ 01/01/2026. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia “cuộc chơi” toàn cầu.

Nếu như quá trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam phát thải nhiều hơn quy định của EU thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua thêm hạn ngạch khí thải. Điều này nhằm yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với môi trường và đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh, điều mà các doanh nghiệp châu Âu đã phải thực hiện trong suốt 15 năm qua.

Bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết: CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Theo đó, các nhà xuất khẩu sẽ phải đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu vào EU đáp ứng một mức thuế tương ứng như các nhà sản xuất của EU bị áp.

Phạm vi áp dụng của CBAM là khí nhà kính, cụ thể: Đối với sắt thép là khí CO2, nhôm là CO2 và PFC, phân bón là CO2 và N2O và xi măng là CO2.

Theo đề xuất của EU, cách tính phát thải dựa trên phát thải thực tế. Theo đó doanh nghiệp phải tự đo đếm được mức phát thải, nếu không xác định được mức phát thải đầy đủ hoặc trong trường hợp phát thải gián tiếp, giá trị mặc định sẽ được sử dụng để xác định phát thải của hàng hóa.

Trong trường hợp quốc gia xuất khẩu không có giá trị mặc định thì hàng hóa xuất khẩu sẽ bị áp dụng giá trị mặc định dựa trên các sản phẩm phát thải lớn của EU.

Bà Nguyễn Hồng Loan - Chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM của EU và đề xuất chính sách thuế carbon cho Việt Nam - cho biết: "EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản là hàng hóa được sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào có mức phát thải bằng không, còn lại là Hàng hóa phức tạp. Và như vậy đa phần hàng hóa của Việt Nam sẽ rơi vào Hàng hóa phức tạp."

Cũng theo bà Loan, điều mà các doanh nghiệp của Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu sang EU mà trước mắt là các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, nhôm, phân bón, xi măng cần làm đó là xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Nguồn: Báo Công Thương


Tin tức liên quan

Cảnh báo về tình trạng chậm thanh toán tại một số ngân hàng Ai Cập
Cảnh báo về tình trạng chậm thanh toán tại một số ngân hàng Ai Cập

Hiện tại một số công ty xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Ai Cập đang gặp phải tình trạng đối tác nhập khẩu phải chờ đợi khả năng đáp ứng ngoại tệ của ngân hàng dẫn đến việc chậm thanh toán kể cả bằng phương thức L/C hay CAD tại các ngân hàng như Banque Misr, The United Bank.

Ủy ban Hàng hải Liên bang Hoa Kỳ (FMC) dự kiến tăng phí hàng loạt dịch vụ
Ủy ban Hàng hải Liên bang Hoa Kỳ (FMC) dự kiến tăng phí hàng loạt dịch vụ

Ủy ban Hàng hải Liên bang Hoa Kỳ (FMC) dự kiến tăng các loại phí sử dụng dịch vụ công của Ủy ban lên tới 650% so với mức hiện tại do lạm phát khiến mọi chi phí hoạt động đều tăng, từ lương nhân viên đến chi phí vận hành và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho hệ thống cấp hồ sơ điện tử.

Quy định về nhãn mác bắt buộc đối với hàng công nghiệp khi vào thị trường Bắc Âu
Quy định về nhãn mác bắt buộc đối với hàng công nghiệp khi vào thị trường Bắc Âu

Hiện nay, các qui định về nhãn mác của Thụy Điển phù hợp với các qui định chung của EU. Ngôn ngữ trên nhãn mác phải có ít nhất 1 trong ba thứ tiếng là Thuỵ Điển, Đan Mạch, và Na Uy.


Đã thêm vào giỏ hàng