"Xanh" hóa để phát triển logistics bền vững
Logistics xanh là hoạt động hướng tới các mục tiêu bền vững, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Trong tương lại gần đây sẽ là yêu cầu tất yếu.
Tối ưu hóa vận chuyển cắt giảm 30%-40% lượng khí phát thải
Tại Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 - Hướng tới thương mại điện tử xanh, ở Hà Nội, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) cho biết, báo cáo logistics Việt Nam cho thấy, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10%-20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60%-80%. Chính vì vậy, việc tối ưu hoá chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.
Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong thương mại điện tử như: giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30%-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Có thể kể đến việc tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam hiện đang là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng liên tục kể từ năm 2010 và hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số mặt hàng như gạo, cà phê, dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện,… Hoạt động xuất khẩu tác động đến tăng trưởng ngành logistics, khiến nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận tải nội địa và dịch vụ phân phối gia tăng.
“Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng mức độ hiệu quả của thị trường chưa cao, đây chính là đặc điểm tiềm năng cho sự phát triển dịch vụ logistics theo hướng tối ưu hóa chi phí”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Đường bộ phát thải gấp 21,95 lần hàng không
Đánh giá về thực trạng phát triển logistics với vấn đề môi trường, ông Hải cho rằng, cơ cấu dịch vụ vận tải chưa cân đối, thiếu bền vững, tỷ trọng loại hình vận tải đường bộ còn chiếm tỷ trọng cao hơn đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không. Lượng phát thải khí nhà kính vận tải đường bộ cao gấp 21,95 lần so với vận tải đường hàng không, gấp 19,94 lần so với đường biển và gấp tới 245,49 lần so với vận tải đường sắt.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo phát thải CO2 của các ngành vận tải đạt 60 triệu tấn CO2 vào năm 2024 và 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Ông Hải cho rằng, việc phát triển logistics xanh đang đối diện với một số thách thức. Trước hết là vấn đề nhận thức về logistics chưa rõ ràng, chưa đủ động lực để chuyển đổi. Logistics xanh dường như không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc trong tương lai. Khách hàng không sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ logistics bền vững hơn... Các gánh nặng tài chính, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, có nhận thức tốt, thấy được sự cần thiết của logistics xanh nhưng do quy mô tài chính nhỏ bé nên chưa thể đầu tư phù hợp cho vấn đề này, cần sự hỗ trợ của nhà nước. Sự đa dạng về quy định môi trường giữa các quốc gia và bên trong mỗi quốc gia cũng là thách thức với doanh nghiệp.
Về kế hoạch hành động xanh đến năm 2030 của Việt Nam, theo ông Trần Thanh Hải, sẽ cần toàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan nhằm giảm phát thải từ hoạt động giao thông vận tải, phát triển logistics xanh. Thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện vận tải và nhà kho sử dụng năng lượng sạch, năng lượng thân thiện với môi trường. Hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng nhiên liệu, hệ thống tiêu chuẩn khí thải; hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải theo hướng tăng khả năng kết nối và vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tối ưu hóa các hoạt động vận tải và kho bãi, giảm lưu thông vô ích.
Cùng với đó là các bên cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động logistics: chính quyền số trong giao thông vận tải, xây dựng cơ sở dữ liệu logistics, phát triển đồng bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng, lắp đặt hệ thống điều hành giao thông thông minh...
Nguồn: Báo Hải Quan