Xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD

Năm 2023, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 diễn ra vào ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo; nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam...

Dù vậy, ngành Công Thương vẫn ghi nhận kết quả tích cực ở nhiều mặt công tác. Cụ thể, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực như Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Vĩnh Phúc; Vĩnh Long; Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...

Về xuất nhập khẩu, đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 là năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cải thiện rõ nét, mức giảm xuất khẩu của khu vực này thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô); công tác xúc tiến thương mại đã mở rộng thị trường xuất khẩu đạt kết quả tích cực, kết hợp duy trì các thị trường truyền thống với việc tích cực khai thác các thị trường mới như: châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á. Mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp (từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống giảm khoảng 4,6% của cả năm 2023).

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đối với hoạt động thương mại trong nước, năm 2023 tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III trở lại đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ… ) thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.

Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bên cạnh đó hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng).

Nguồn: Báo Hải Quan


Tin tức liên quan

Miễn phí nhiều dịch vụ tại cảng Cát Lái, Hiệp Phước đến hết năm 2021
Miễn phí nhiều dịch vụ tại cảng Cát Lái, Hiệp Phước đến hết năm 2021

Tân Cảng Sài Gòn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng tại hai cảng Cát Lái và Hiệp Phước...

Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp tục đón thêm siêu tàu
Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp tục đón thêm siêu tàu

Thời gian thử nghiệm đón tàu container trọng tải đến hơn 214.000 DWT tại cảng CMIT được Bộ GTVT gia hạn đến hết tháng 6/2023.

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo, cơ hội tốt cho Việt Nam
Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo, cơ hội tốt cho Việt Nam

Hiện, Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh và thời tiết bất lợi. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thời gian tới.


Đã thêm vào giỏ hàng