Xuất nhập khẩu quý 1 sụt giảm cả hai chiều
Mặc dù tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 đã tăng so với tháng trước đó, nhưng trong cả quý vẫn ghi nhận sự sụt giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn vì sụt giảm đơn hàng
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2023, có 2 kỳ nghỉ Tết khiến số ngày làm việc ít, cùng với sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15%), trong đó, xuất khẩu ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% (cùng kỳ tăng 14,4%); nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%).
Tuy vậy, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 3/2023 tiếp tục thặng dư khoảng 650 triệu USD, nâng tổng xuất siêu trong quý 1/2023 là 4,07 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,87 tỷ USD).
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu… Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%.
Tính chung quý 1/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý 1 năm 2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; thị trường EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%; thị trường ASEAN đạt 8,34 tỷ USD, tăng 2%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,5%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 0,9%.
Nguyên liệu nhập khẩu giảm 15,9%
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng ghi nhận sự tăng trưởng của tháng 3/2023 so với tháng trước đó, nhưng vẫn giảm tới 11,1% so với cùng kỳ.
Quý 1/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,6%), trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.
Thống kê cho thấy, quý 1/2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Chiếm 87,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý 1 là nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước với kim ngạch ước đạt 65,9 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2022, do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương phân tích, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 27,4%; thị trường ASEAN đạt 10,3 tỷ USD, giảm 12,9%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, giảm 4,5%; thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, giảm 12,1%; Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 10,1%.
Để mở rộng thị trường ngoài nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn: Báo Hải Quan