Yếu tố nào giúp xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh trong 10 tháng qua?
Tận dụng tốt các FTA được đánh giá là một trong những yếu tố giúp xuất nhập khẩu đạt được kết quả khả quan thời gian qua.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng 2 con số
Khối lượng gạo Việt Nam xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 700 nghìn tấn với trị giá đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2022, gạo 5% tấm của Việt Nam có mức giá 425 - 430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán tăng trong năm nay.
Gạo là một trong những mặt hàng đã đem lại kim ngạch xuất khẩu khả quan, đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng vừa qua.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD).
Xuất nhập khẩu được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất trong tình hình kinh tế xã hội 10 tháng của nước ta. Đặt trong bối cảnh lạm phát gia tăng khiến nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia giảm xuống, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu nâng lên, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trên 2 con số là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, con số kim ngạch xuất khẩu tăng cao cũng cho thấy doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt các FTA. Đơn cử, với Hiệp định CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương nêu rõ, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Canada đã tăng trưởng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, sau 3 năm thực thị CPTPP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng trưởng lên đến 75-100%. Nhóm điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khu vực này.
Hoặc với EVFTA, Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu vì EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam; trong đó, có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo và cũng là thị trường đa dạng sản phẩm công nghiệp tiêu thụ lớn. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương thông tin, trong hai năm qua, đa số mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.
“Trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, có thể nói các doanh nghiệp đã có sự làm quen và bắt nhịp được khá tốt. Điều này thể hiện qua hai quý đầu năm 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu
Thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa dự báo sẽ còn nhiều khó khăn khi biến động tỷ giá mạnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Tình hình địa chính trị trên thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và xuất nhập khẩu.
Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết; Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, cần nỗ lực hơn nữa để tận dụng hiệu quả hơn các FTA. Đơn cử với CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ, thời gian vừa qua, Việt Nam tương đối nhiều lợi thế khi “một mình một chợ”.
Các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như Việt Nam ở khu vực ASEAN, châu Á chưa có FTA với các nước như Canada hay Mexico. Vì thế, những sản phẩm Việt Nam có lợi thế gần như có ưu thế tuyệt đối với ưu đãi thuế quan CPTPP.
Tuy nhiên, những biến động về địa chính trị, các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến lợi thế của Việt Nam trong việc tận dụng CPTPP.
Nói một cách ngắn gọn, lợi thế vẫn đang là một trong những ưu điểm của Việt Nam ở thị trường này nhưng điều đó không kéo quá dài. Vì thế, các doanh nghiệp phải tận dụng mọi cơ hội ở thời điểm hiện tại; đồng thời chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn tới khi các lợi thế không còn nhiều.
Nguồn: Báo Công Thương